Thanh Vy vừa trải qua một tuần học trực tuyến chương trình năm học 2021-2022, buổi sáng 5 tiết, buổi chiều tự học hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Vy kể, hầu hết tiết học mất 5-7 phút đầu để ổn định lớp do mạng chập chờn, phần mềm quá tải. Trường sử dụng K12Online nhưng giáo viên chuyển sang dạy bằng Google Meet, giao bài trên Zalo hoặc Google Classroom.
Ba năm THPT, việc học bị gián đoạn vì Covid-19, phải học online nên cảm giác học qua màn hình với nữ sinh không còn lạ lẫm. Việc thay đổi phần mềm, ứng dụng cũng không làm khó em. Điều Vy lo nhất là việc học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu vào đại học.
"Lứa học sinh lớp 12 như em thiệt thòi nhất vì học trực tuyến kiến thức giảm tải rất nhiều, chỉ ở mức cơ bản. Hiệu quả chỉ bằng 60-70% so với học trên lớp, học sinh không được học hai buổi, học thêm để củng cố kiến thức những môn yếu", Vy nói và cho rằng kết quả học tập phụ thuộc lớn vào khả năng tự học.
Dự định sử dụng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) hoặc D01 (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển vào Đại học Kinh tế TP HCM, từ đầu năm học lớp 11, nữ sinh chọn hướng tập trung cho tổ hợp Khoa học tự nhiên. Vy thường vào các trang ôn thi để lấy bài giảng, bài tập, đề thi về tự giải, tự học. Hầu hết bài học đều được nữ sinh đọc trước, đến giờ học tập trung nghe thầy cô giảng.
Nữ sinh đánh giá cách học này khá hiệu quả, nhưng chỉ phù hợp để có được kết quả tốt nghiệp tốt, chưa đủ để cạnh tranh vào đại học. Bởi hai năm gần đây, phổ điểm thi tốt nghiệp tốt, điểm chuẩn vào trường top rất cao. "Sự cạnh tranh vào trường tốt có thể chỉ hơn kém nhau 0,25, mà đó có thể là khác biệt giữa việc học trực tuyến hay được học tập trung", Vy nói.
Cùng tâm trạng với Vy, nhiều học sinh lớp 12 căng thẳng với học kỳ trực tuyến trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ngoài sự mệt mỏi khi dán mắt vào màn hình máy tính hoặc điện thoại, đeo tai nghe 4-5 tiếng mỗi ngày, nhiều em lo kiến thức bị hao hụt nhiều năm qua.
Tự nhủ không xao nhãng ở năm cuối cấp nhưng Trần Quốc Hùng, học sinh lớp 12 quận Bình Thạnh, không ít lần muốn bỏ cuộc. Quanh quẩn ở nhà gần 5 tháng, nhịp sinh hoạt, học tập lặp lại nhàm chán khiến Hùng ngột ngạt, chỉ muốn học qua loa cho xong tiết.
Nam sinh thừa nhận bị hổng kiến thức môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên khác ở năm lớp 10, 11. Nguyên nhân một phần bản thân không tập trung, phần khác do dịch bệnh. "Hồi cấp hai, em thường đi học thêm, học hè nên bài nào không hiểu được thầy cô bổ sung sau đó. Nhưng những năm nay không được học gì ngoài các tiết trên lớp, bài cũ chưa kịp hiểu thì bài mới đến, cứ như thế em bị mất gốc kéo dài", Hùng nói.
Từ đầu năm học, Hùng xin ba mẹ đăng ký gia sư online "một kèm một" cho môn Toán và Lý. Sau buổi học trực tuyến chính khóa và buổi chiều tự học, gia sư sẽ hướng dẫn Hùng bài tập khó và nhắc lại kiến thức cũ. "Dù sao năm học mới cũng mới bắt đầu nên vẫn còn thời gian sửa sai. Em sẽ cố gắng để đạt mục tiêu vào ngành Tài chính - Ngân hàng, Đại học Mở hoặc Ngân hàng", Hùng nói.
Trên những diễn đàn học sinh trung học, nhiều em khối 12 bày tỏ lo ngại về cách thức, thời gian kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Phần lớn mong kỳ thi giữ nguyên phân phối kiến thức, quy chế xét tuyển đại học ổn định.
Với học sinh lớp 9, kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập cuối năm cũng là áp lực không nhỏ. Võ Việt Phương Nghi, trường THCS Bạch Đằng (quận 3) chia sẻ, cảm giác học trực tuyến khá buồn tẻ bởi không được gặp thầy cô, bạn bè. Khi thành phố thông báo học trực tuyến có thể diễn ra đến hết học kỳ I, Nghi hơi thất vọng nhưng biết rằng chả có cách nào khác, phải cố gắng vượt qua rào cản tâm lý, tập trung cho kỳ thi vào lớp 10.
"Năm trước, kỳ thi không thể diễn ra nên việc chọn học sinh vào lớp 10 được xét bằng điểm học bạ lớp 9. Năm nay chưa thể đoán trước điều gì, em phải cố gắng giành điểm cao ở lớp, nếu thi hay xét tuyển cũng đều có kết quả tốt nhất", Nghi cho biết.
Với học lực giỏi, Nghi học tốt nhất môn Văn, khá tốt ở môn Toán và tiếng Anh. Ba mẹ đều là giáo viên tiếng Anh, anh trai là sinh viên năm nhất giỏi Toán nên việc học ở nhà của Nghi khá thuận lợi khi có người chỉ bảo. Mỗi tiết học, nữ sinh chăm chú nghe giảng, ghi chép để nắm kiến thức trọng tâm. "Nguyện vọng một của em sẽ là trường THPT top đầu. Em nghĩ cái khó của mình cũng là khó chung với nhiều người nên đây sẽ là cơ hội cho người cố gắng nhất", Nghi nói.
Nhiều học sinh cuối cấp THCS khác cùng đặt mục tiêu như Nghi, nỗ lực giành điểm cao ở từng bài kiểm tra, dự phòng nếu thành phố tiếp xét tuyển lớp 10. Học sinh mong Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM sớm chốt phương án tuyển sinh để lên kế hoạch học tập phù hợp.
Từ ngày 8/9, gần 700.000 học sinh THCS, THPT bắt đầu học chương trình năm học mới sau một tuần tập trung bằng trực tuyến. Trong khi đó, khoảng 680.000 học sinh tiểu học đang trong tuần làm quen với hình thức này.
Tuần trước, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP HCM phương án mở cửa trường học tại quận, huyện được xác định an toàn phòng chống Covid-19. Theo đó, việc mở cửa ưu tiên lớp nhỏ (mầm non, lớp 1, 2) và cuối cấp (lớp 9, 12), tiếp đó các lớp 5, 6, 10 và lớp còn lại.