7h sáng, Hà Nội trời mát mẻ, khoảng 28 độ C. Tại trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, phụ huynh đưa con đến từ 6h30 để dự lễ khai giảng. Ngay cổng trường, một chiếc bàn đặt nước rửa tay dành cho học sinh và phụ huynh. Phía bên phải, backdrop với dòng chữ "Trường học hạnh phúc" được dựng lên cùng hoa và bóng bay. Những bản nhạc vui nhộn được mở liên tục. Nhiều người tranh thủ chụp cho con những tấm ảnh kỷ niệm.
Trong sân trường, khoảng 700 ghế ngồi được xếp sẵn dành cho học sinh 17 lớp, chủ yếu là lớp 1 và đại diện các khối lớp. Để đảm bảo giãn cách, trường Tiểu học Khương Thượng tổ chức cho học sinh các lớp còn lại ngồi tại hành lang theo dõi buổi lễ. Học sinh đeo khẩu trang, dự lễ khai giảng bắt đầu lúc 7h30.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, năm học 2020-2021 trường Tiểu học Khương Thượng hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, mang lại niềm vui cho học sinh và phụ huynh. Ban giám hiệu và giáo viên đang nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất, kỹ năng chuyên môn.
Lo ngại dịch bệnh chưa kết thúc, nhà trường cũng chuẩn bị phương án dạy online trong trường hợp học sinh tiếp tục phải nghỉ học phòng dịch. "Năm ngoái, trường Khương Thượng triển khai học online từ sớm nhưng gặp khó khăn. Năm nay, chúng tôi sẽ xây dựng lịch học rõ ràng, quy củ đồng thời đưa thêm nhiều hình thức, hoạt động hỗ trợ bài giảng để học sinh tiếp thu tốt hơn", bà Hà nói.
Khu vực Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, tập trung nhiều trường tư thục và thường bắt đầu khai giảng từ 8h. Các con phố như Nguyễn Cơ Thạch, Trần Văn Lại, xe đưa đón học sinh nối dài. Phụ huynh và học sinh đến trường đều đeo khẩu trang.
Tại trường Marie Curie, từ 7h30, học sinh khối 6 tập trung ở sân trường. Các em mặc đồng phục, đeo khẩu trang vải do trường phát, cầm cờ đỏ sao vàng và hoa. Các lớp học còn lại, học sinh ngồi theo lớp dự lễ khai giảng qua livestream để đảm bảo giãn cách. Khác với năm ngoái, chỉ một số phụ huynh đại diện tham dự buổi lễ, thay vì các phụ huynh đều có thể dự.
Nguyễn Phương Diệp Anh, lớp 6M1, tỏ ra hào hứng khi được dự lễ khai giảng ở trường mới. Dù mới đến trường ngày thứ ba, Diệp Anh đã nhớ hết tên hơn 30 bạn trong lớp. "Em đã rất lo phải học trực tuyến do Covid-19. Vì vậy khi được đến trường, em rất háo hức, mong năm học mới sẽ có sức khỏe tốt, đạt kết quả học tập tốt", Diệp Anh nói.
Đúng 8h, lễ khai giảng bắt đầu bằng tiết mục chào cờ. Học sinh trong trang phục áo xanh đen đồng loạt tháo khẩu trang, đặt tay lên ngực trái hát Quốc ca. Hết lễ chào cờ, tất cả lại đeo khẩu trang, ngồi nghe cô phó hiệu trưởng đọc thư chúc mừng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang phát biểu khai giảng, nhấn mạnh chủ đề năm học là "phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng". Tiết mục văn nghệ "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid" khép lại lễ khai giảng kéo dài chưa tới 30 phút. Từng lớp theo lời giới thiệu của MC lên sân khấu chụp ảnh kỷ niệm.
Năm học này, Hà Nội có 2,1 triệu học sinh, tăng hơn 67.000 so với năm ngoái, nhiều nhất cả nước. Dù đã xây mới 44 trường học, nâng tổng số lên 2.794, sĩ số học sinh mỗi lớp ở các quận đông dân như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa... vẫn trên 50.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, để đảm bảo phòng chống Covid-19, trẻ mầm non khai giảng trong lớp học từ 8h30 đến 10h, không quá 60 phút. Học sinh tiểu học, THCS, THPT khai giảng tại sân trường, từ 7h30 và không quá 45 phút. Học sinh đứng giãn cách, đeo khẩu trang. Các tiết mục diễu hành, thả bóng bay, văn nghệ bị cắt giảm.
Sáng 5/9, thời tiết TP HCM mát mẻ, trời tạnh ráo. Trên khắp tuyến đường, phụ huynh chở con trong những bộ đồng phục học sinh nối đuôi nhau đến trường dự lễ khai giảng. Tại trường THPT Lê Quý Đôn, dọc lối đi từ cổng chính vào sân trường, học sinh đứng hai hàng thẳng tắp, vỗ tay chào đón thầy cô, khách mời.
Lê Hoàng Minh, lớp 10A4, cho biết đã chuẩn bị cho lễ khai giảng từ chiều qua, sáng nay tự đi xe đến trường, tâm trạng vừa vui, vừa hồi hộp. "Năm nay, em chỉ hy vọng dịch bệnh được dập tắt, mọi thứ bình thường trở lại để có một năm học trọn vẹn. Em mong học nhiều điều hay trong bậc THPT, nắm chắc kiến thức nhưng vẫn được trải nghiệm niềm vui ba năm trước khi vào đại học", Minh nói.
Đồng cảm cùng học trò, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ nhiệm lớp 10A4, cũng mong ước dịch bệnh qua mau để việc học hành được suôn sẻ. Hàng năm vào ngày khai giảng, đồng phục học sinh đều tươm tất, nhưng năm nay học sinh tựu trường ngày 1/9, cô trò mới có vài ngày làm quen nhau. Nhiều em chưa kịp may đồng phục của trường, phải mặc quần áo cũ ở trường THCS. "Vạn sự khởi đầu nan, mong các em có một năm học thật tốt, được trải nghiệm nhiều ở bậc học mới, đón chào nhiều niềm vui mới", cô Thủy nói.
7h30, lễ khai giảng tại trường THPT Lê Quý Đôn mở đầu bằng nghi thức đón gần 500 học sinh lớp 10. Từng tốp học sinh lớp 10 trong trang phục nam quần tây, áo sơ mi trắng, nữ mặc áo dài trắng bước vào trong lời giới thiệu ngắn gọn, cúi chào thầy cô cùng học sinh khối trên rồi trở về vị trí được bố trí sẵn. Tiếp đó là lễ chào cờ trong tiếng hát Quốc ca to, rõ; đọc thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn phát biểu khai giảng ngắn gọn, nhắn nhủ "các em cần nhớ, kỳ thi lớp 10 không phải là đích đến cuối cùng, đó chỉ là cửa ải ban đầu. Các em đang đứng trong một ngôi trường có lịch sử lâu đời nhất miền Nam. Các em là thế hệ thứ 146 dự lễ khai giảng. Hãy nhìn vào thành quả của các anh chị, công sức của thầy cô và sự tin yêu của cha mẹ để nỗ lực nhiều hơn nữa".
Đáp lời thầy Hiệu trưởng, Nguyễn Thanh Thùy An, đại diện học sinh khối 10, mong thầy cô và anh chị lớp trên dang rộng vòng tay đón nhận, bảo ban và giúp đỡ. Với phụ huynh, An gửi lời biết ơn công sinh thành, chăm sóc và nuôi nấng. "Ba mẹ ơi, chúng con nhớ hết lời động viên, mọi sự ân cần, chăm sóc và kỳ vọng trong thời gian qua. Chúng con đang nỗ lực từng ngày và cần thời gian để hoàn thiện bản thân. Ba mẹ hãy tin tưởng chúng con", An nói.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được mời lên đánh trống khai trường. Bà Thịnh tặng thầy trò trường THPT Lê Quý Đôn bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm học 2020-2021, TP HCM có hơn 1,74 triệu học sinh (tăng hơn 54.600 em so với năm ngoái), học tại 2.350 trường, trong đó gần một nửa thuộc khối mầm non. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết ngành giáo dục thành phố xác định 4 sứ mệnh với học sinh gồm: học để trở thành công dân tốt, đủ kỹ năng thích ứng với đô thị thông minh và hội nhập quốc tế; học làm người con hiếu thảo, có trách nhiệm với gia đình; học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình; học để đóng góp cho thành phố và đất nước.
Với giáo dục mầm non, mục tiêu của ngành là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Với giáo dục phổ thông, ngành sẽ đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường các hoạt động giáo dục STEM và nghiên cứu khoa học.
Là tâm dịch Covid-19 với 551 người nhiễm từ ngày 25/7 đến nay, Đà Nẵng không tổ chức lễ khai giảng cho hơn 270.000 học sinh các khối từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố thực hiện chương trình "Đà Nẵng - Chào năm học mới", phát sóng lúc 7h ngày 5/9 trên hai kênh DanangTV1 và DanangTV2.
Nội dung chương trình xoay quanh công tác triển khai năm học mới tại nhà trường và địa phương; tâm tư của cán bộ, giáo viên cũng như phụ huynh và học sinh trước thềm năm học mới. Các trường sẽ đăng tải tất cả thông tin có liên quan đến chương trình dạy học, danh sách lớp, giáo viên chủ nhiệm và thông tin cần trao đổi trên website, thư của Chủ tịch nước và lãnh đạo thành phố động viên học sinh trong năm học mới.
Nằm sát tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam 17 ngày qua chưa ghi nhận thêm bệnh nhân nào, hiện dừng ở 96 ca bệnh. Xác định dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, hơn 356.760 học sinh toàn tỉnh tham dự lễ khai giảng đặc biệt. Trong đó, 84.220 học sinh mầm non dự lễ "Ngày hội đến trường của bé" tại lớp học, hiệu trưởng phát biểu trên loa phát thanh của nhà trường.
Cấp tiểu học có hơn 131.600 học sinh nhưng chỉ lớp 1 tham dự buổi lễ khai giảng ở sân trường, những lớp còn lại cử 2 đến 5 học sinh đại diện. Các bậc THCS, THPT cũng tổ chức khai giảng tương tự.
Tại trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, lễ khai giảng diễn ra dưới nắng nóng. Từ sáng sớm, học sinh nam mặc áo trắng, quần dài, nữ mặc áo dài đeo khẩu trang bước vào cổng trường, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Nhà trường phát loa nhắc các em tập trung ở sân trường giữ khoảng cách 1,5 m.
Hiệu trưởng Phan Văn Chương cho biết năm học này nhà trường có hơn 800 học sinh, vừa tổ chức khai giảng, vừa chống dịch Covid-19 nên chỉ hơn 300 em tham dự. Mỗi ngày đến lớp, học sinh phải đo thân nhiệt, thực hiện theo hướng dẫn y tế.
Buổi khai giảng tại trường diễn ra trong 45 phút với phần chào cờ, đọc thư chúc mừng năm học mới của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, phát biểu của lãnh đạo nhà trường và cảm nghĩ học sinh. Các chương trình ca nhạc chào mừng, phát biểu của đại biểu và nhiều hoạt động khác được cắt bỏ.
Cùng với Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, sáng nay học sinh cả nước cũng khai giảng năm học mới với tâm thế vừa học vừa phòng chống dịch. Các em bắt đầu học từ tuần sau và kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2021. Kỳ II hoàn thành trước 25/5/2021 và năm học kết thúc trước ngày 31/5/2021.
Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh, năm học 2020-2021 ngành giáo dục bắt đầu đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy cho học sinh lớp 1, tập trung nâng chuẩn giáo viên các cấp và tiếp tục giải bài toán nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Mạnh Tùng - Dương Tâm - Thanh Hằng - Đắc Thành