Tại buổi họp Hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khoẻ ngày 25/6, PGS Trần Diệp Tuấn (Hiệu trưởng Đại học Y dược TP HCM) cho biết, từ năm học tới, học phí tăng nhiều lần so với trước. 30-70 triệu đồng mỗi năm. Khi thực hiện tự chủ, số tiền này thực tế chưa tính đúng và đủ chi phí đào tạo, trường vẫn phải bù lỗ.
Theo ông Tuấn, học phí phụ thuộc vào 3 yếu tố: đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; chương trình đào tạo, trải nghiệm sinh viên; đội ngũ giảng viên. Thời gian qua, trường đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất, chương trình đào tạo cũng được nâng chất khi phối hợp Đại học Harvard xây dựng.
Nếu như trước đây sinh viên học đại trà trong lớp hơn 100 người thì nay học với lớp nhỏ - đồng nghĩa với việc số lượt giảng của giảng viên tăng. Do vậy, nếu không đãi ngộ tốt, trường khó giữ chân giảng viên giỏi.
Ông Tuấn cũng cho rằng, nếu trường không tăng học phí sẽ không thể nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường lao động.
Ông dẫn chứng, trước đây sinh viên một số trường Y khoa ở Việt Nam có thể thi để lấy chứng chỉ hành nghề tại Mỹ. Nhưng từ năm nay, nếu trường không được kiểm định chất lượng, không được công nhận bởi Liên đoàn đào tạo y khoa thế giới, sinh viên sẽ không được tham gia kỳ thi này.
"Đại học tự chủ không có nghĩa trường tự lo, không cần vai trò của Nhà nước", ông Tuấn nói thêm và dẫn chứng, hơn 10 năm trước, Đại học Tokyo (Nhật Bản) mỗi năm kinh phí hoạt động hơn 3 tỷ USD, trong đó nhận tài trợ của chính phủ 30%. "Các trường rất mong có cơ chế đặt hàng từ Nhà nước để có thêm nguồn thu", ông nói.
PGS Ngô Minh Xuân (Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nêu thực trạng chi phí đào tạo khoa học sức khoẻ tốn 4-5 lần so với ngành khác nhưng học phí ở Việt Nam quá thấp. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ khoảng 500-600 USD mỗi năm, trong khi ở Mỹ là 50.000 USD, một số nước châu Âu khoảng 40.000 USD, ở Đông Âu 20.000 USD.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được tự chủ từ hai năm nay, bị cắt ngân sách của TP HCM khoảng hơn 80 tỷ đồng mỗi năm, song hiện không được thu học phí cao do vướng các quy định. Trường chỉ được thu 13 triệu đồng một năm trong khi thực tế ít nhất 32 triệu mới đủ để đào tạo.
Là trường thuộc UBND TP HCM, đại học này có nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngành y cho thành phố nên chịu áp lực lớn phải tăng chỉ tiêu hằng năm. "Mục tiêu của thành phố là 11 bác sĩ trên 10.000 dân, do đó mỗi năm cần có thêm 1.000 bác sĩ. Không tăng chỉ tiêu thì không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nếu tăng mà không được tăng học phí thì khó nâng cao chất lượng. Tình trạng thu học phí thấp kéo dài, trường sẽ mất giảng viên giỏi, từ đó sẽ mất các mã ngành đào tạo", ông Xuân nói.
Ở góc nhìn trường tư thục có đào tạo Y dược, GS Nguyễn Văn Thanh (Phó hiệu trưởng Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, các trường phải công khai "thước đo" để chứng minh việc tăng học phí xứng đáng với các chi phí bỏ ra và những điều kiện người học thụ hưởng.
Cùng quan điểm trên, PGS Hồ Thanh Phong (Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng) nói, để tăng tính thuyết phục trong đề án đào tạo, tuyển sinh, các trường cần nghiên cứu chi phí đào tạo. Khoản tiền này gồm định phí (cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và chi phí khấu hao) cộng với biến phí (chi phí cho các tiết giảng, giờ thí nghiệm, giờ thỉnh giảng...).
Học phí khối ngành Y dược được dư luận quan tâm khi đầu tháng 6, Đại học Y Dược TP HCM công bố học phí năm học 2020-2021 từ 30 đến 70 triệu đồng tùy ngành, tăng 2-5 lần so với năm ngoái. Lý do từ đầu năm nay, trường được tự chủ, không nhận hỗ trợ từ Nhà nước nên học phí phải tăng để đảm bảo chi phí hoạt động.
Ở khối trường công, học phí đa số đại học Y, Dược miền Bắc là 14,3 triệu đồng; cao nhất là Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM) 88 triệu đồng, Đại học Y Dược TP HCM 30-70 triệu đồng.
Ở khối tư thục, ngành Y, Dược có học phí 20-70 triệu đồng một năm, riêng ngành Y đa khoa (Đại học Tân Tạo) 150 triệu, ngành Răng - Hàm - Mặt (Đại học Quốc tế Hồng Bàng) 198 triệu đồng.