1. Đại học Ngoại thương
Ngành Tài chính - Ngân hàng của Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội gồm ba chuyên ngành: Tài chính quốc tế, Phân tích và đầu tư tài chính, Ngân hàng, tuyển 410 sinh viên. Tại cơ sở TP HCM, ngành này chỉ tuyển chuyên ngành Tài chính quốc tế, tuyển 160 em. Điểm trúng tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng 2019 là 25,75 tại cơ sở Hà Nội, 25,9 tại cơ sở TP HCM.
Năm học 2020-2021, Đại học Ngoại thương giữ nguyên mức học phí của tất cả ngành so với năm ngoái. Với các chương trình đại trà, học phí là 18,5 triệu đồng. Các chương trình Chất lượng cao, Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, Kế toán - Kiếm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế 40 triệu đồng một năm.
2. Đại học Kinh tế quốc dân
Ngành Tài chính - Ngân hàng năm nay tuyển 400 sinh viên, bằng với năm ngoái, với ba chuyên ngành Ngân hàng, Tài chính công, Tài chính doanh nghiệp. Điểm trúng tuyển năm ngoái của ngành Tài chính - Ngân hàng là 25.
Học phí hệ chính quy chương trình đại trà năm học 2020-2021 không tăng so với năm học 2019-2020, giữ 14-19 triệu đồng trong khi học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 40-80 triệu đồng.
3. Học viện Ngân hàng
Tại trụ sở chính Hà Nội, trường tuyển 900 sinh viên cho ngành Tài chính - Ngân hàng, cao nhất trong số ngành đào tạo. Tại cơ sở Bắc Ninh và Phú Yên, chỉ tiêu cùng là 180. Điểm trúng tuyển ngành này năm ngoái là 22,25.
Học phí năm học 2020-2021 là 9,8 triệu đồng một năm.
4. Đại học Thương mại
Ngành Tài chính - Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại, Tài chính công tuyển 250 sinh viên cho hệ đại trà, 100 sinh viên chương trình chất lượng cao. Năm ngoái, điểm chuẩn của hai hệ này lần lượt là 22 và 20,5.
Học phí Đại học Thương mại năm 2020-2021 không tăng so với năm ngoái. Theo đó, học phí chương trình đại trà hơn 15,75 triệu đồng, chương trình chất lượng cao hơn 30,4 triệu đồng và chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù 18,9 triệu đồng một năm.
5. Học viện Tài chính
Với chương trình chuẩn, ngành Tài chính - Ngân hàng tuyển 1.740 sinh viên, cao nhất trong các ngành nhà trường đào tạo. Chương trình chất lượng cao, Tài chính - Ngân hàng gồm ba chuyên ngành Hải quan và Logistics, Phân tích tài chính, Tài chính doanh nghiệp, tuyển 250 sinh viên. Năm ngoái, điểm trúng tuyển ngành này là 21,45 (tổ hợp A00, A01) và 22 (tổ hợp D01).
Năm học 2020-2021, học phí là 12 triệu đồng với chương trình chuẩn, 45 triệu đồng với chương trình nâng cao.
6. Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường tuyển 170 sinh viên cho ngành Tài chính - Ngân hàng, cao hơn năm ngoái gần 30 em. Điểm chuẩn năm ngoái là 28,08, trong đó tiếng Anh nhân đôi. Học phí năm nay là 3,5 triệu đồng một tháng, tương ứng 35 triệu đồng một năm.
7. Đại học Hà Nội
Trường tuyển 100 sinh viên cho ngành Tài chính - Ngân hàng (dạy bằng tiếng Anh) tại khối D01 (Toán, Văn, tiếng Anh). Điểm trúng tuyển năm ngoái ngành này là 28,98, trong đó tiếng Anh nhân hệ số hai.
Năm nay, với hệ thường, học phí là 480.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,3 triệu đồng/tín chỉ. Học phí các chương trình liên kết với nước ngoài được xét theo quy định riêng.
8. Đại học Công nghiệp Hà Nội
Từ năm 2009, Đại học Công nghiệp Hà Nội bắt đầu đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng. Năm nay trường tuyển 120 sinh viên cho ngành này, ít hơn năm ngoái 12 em. Học phí các chương trình đào tạo chính quy năm học 2020-2021 là 17,5 triệu đồng, năm tiếp theo tăng không quá 10%.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng là 20,2.
9. Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
Trường tuyển 202 sinh viên cho ngành Tài chính - Ngân hàng, bằng với năm ngoái. Điểm trúng tuyển ngành này năm 2019 là 20,5.
Năm học 2020-2021, học phí ngành Tài chính - Ngân hàng nằm trong nhóm cao nhất trường với 19,5 triệu đồng, dự kiến năm sau tăng lên 20,5 triệu đồng.
10. Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM)
Năm nay, ngành Tài chính - Ngân hàng tuyển 280 sinh viên, ít hơn năm ngoái 40 em. Điểm trúng tuyển năm 2019 của ngành Tài chính - Ngân hàng là 30, trong đó tiếng Anh nhân đôi, ngành Tài chính - Ngân hàng chất lượng cao là 24,75, các môn không nhân hệ số.
Trường không tăng học phí năm học 2020-2021. Theo đó, học phí một năm của chương trình tiêu chuẩn trung bình 18,5 triệu đồng, chất lượng cao 16,5 triệu đồng, học bằng tiếng Anh 26,4 triệu đồng.
11. Đại học Ngân hàng TP HCM
Trường đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng tại ba hệ gồm quy chuẩn, chất lượng cao và quốc tế song bằng. Năm nay, trừ chương trình chuẩn lấy điểm thang 30, hai ngành còn lại tính điểm thang 40, trong đó tiếng Anh nhân hệ số hai.
Với chương trình chuẩn, ngành Tài chính - Ngân hàng có ba chuyên ngành là Tài chính, Ngân hàng, Công nghệ tài chính, tuyển 800 sinh viên. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng là 21,75.
Trường chưa thông báo mức học phí năm nay. Năm học 2019-2020, học phí chương trình chuẩn là 9,5 triệu đồng, chất lượng cao 16 triệu đồng và song bằng 59,5 triệu đồng.
12. Đại học Kinh tế TP HCM
Trường tuyển 1.000 sinh viên cho 11 chuyên ngành của ngành Tài chính - Ngân hàng gồm: Tài chính công, Quản lý thuế, Ngân hàng, Tài chính, Thị trường chứng khoán, Quản trị rủi ro tài chính, Đầu tư tài chính, Ngân hàng đầu tư, Ngân hàng quốc tế, Thuế trong kinh doanh, Quản trị hải quan - ngoại thương. Điểm trúng tuyển cả 11 chuyên ngành năm 2019 là 23,1.
Đại học Kinh tế TP HCM thu học phí theo tín chỉ, trung bình một năm khoảng 20,5 triệu đồng đối với chương trình đào tạo đại trà.
13. Đại học Tài chính - Marketing (TP HCM)
Từ năm 2006, trường bắt đầu đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng. Năm nay, trường tuyển 820 sinh viên tại ngành này, cao hơn năm ngoái gần 300 em. Điểm trúng tuyển năm 2019 ngành Tài chính - Ngân hàng là 21,1 với chương trình đại trà, 17 hệ chất lượng cao.
Học phí năm học 2019-2020 của hai hệ này lần lượt là 18,5 và 36,3 triệu đồng.
14. Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM
Năm nay, trường dành khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành Tài chính - Ngân hàng. Điểm chuẩn năm ngoái là 20.
Năm học 2020-2021, học phí đối với các chương trình do Đại học Quốc tế cấp bằng là 48 triệu đồng.
15. Đại học Cần Thơ
Trường tuyển 90 sinh viên cho ngành Tài chính - Ngân hàng hệ đại trà và 80 em cho chương trình chất lượng cao. Điểm chuẩn năm ngoái của hai hệ này lần lượt là 21 và 15 cho tất cả tổ hợp.
Năm nay, hệ đại trà học phí một năm là 9,8 triệu đồng, dự kiến năm 2021 tăng lên 10,8 triệu đồng. Với hệ chất lượng cao, các em học chương trình 4,5 năm với mức học phí 27 triệu đồng một năm.
Thanh Hằng