Tôi lắng nghe và hiểu được cảm xúc của tác giả khi viết bài Học phí đại học 40 triệu đồng một năm là rào cản học sinh nghèo, nhưng tôi lại tin vào một triết lý khác: Cái gì bất hợp lý thì không tồn tại.
Thứ nhất, "Học sinh nghèo không được học đại học" là một lập luận sai, bởi vì rất nhiều sinh viên được hưởng các loại học bổng, và một khi học sinh nghèo biết tận dụng mọi học bổng cũng như sự hỗ trợ khác từ xã hội thì họ chắc chắn sẽ hoàn thành được chương trình đại học.
Cứ trở thành sinh viên xuất sắc, tôi tin chắc bạn không phải tốn kém quá mức trong lúc học đại học đâu.
Thứ hai, phân hoá đào tạo nguồn nhân lực cần được thực hiện tốt từ giai đoạn giáo dục phổ thông, để khi đào tạo nhân lực trình độ cao ở bậc đại học không lãng phí tài nguyên cho những người sẽ làm thợ trong quá trình lao động.
Học phí thấp sẽ khiến cho ai cũng muốn (và đủ sức chi trả) cho đào tạo trình độ đại học. Hệ quả là số lượng người mới tham gia thị trường lao động bị rơi vào hai thái cực: Hoặc là trình độ cao (mà có một bộ phận trong đó không đủ năng lực để lao động bậc cao) hoặc là chưa qua đào tạo.
Nói đơn giản thế này: Một nhà máy có hàng ngàn lao động sẽ cần 1 giám đốc, 3 phó giám đốc, 10 quản đốc, trăm tổ trưởng nhưng cần đến hàng ngàn người lao động trực tiếp. Nếu nhà máy mang hàng ngàn người đi đào tạo đại học, bạn thấy có lãng phí không?
Nếu nhà máy đào tạo ban giám đốc, quản đốc trình độ đại học, tổ trưởng trình độ cao đẳng nghề, công nhân trình độ trung cấp nghề thì bạn thấy có hợp lý không?
Vậy một nhà máy có hàng ngàn người lao động mà chỉ có khoảng 100 người có trình độ cao đẳng trở lên, mươi người có trình độ đại học trở lên có được xem là hợp lý hơn một nhà máy có hàng ngàn người tốt nghiệp đại học không?
Dồn tiềm lực đầu tư đào tạo một bộ phận người lao động có trình độ cao có hợp lý hơn là trải rộng đầu tư sau đó không sử dụng đến trong sản xuất hay không?
Và, nếu bạn mở rộng cái nhà máy trong ví dụ này ra thành nền sản xuất xã hội, thì liệu bạn có băn khoăn về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học rồi tìm cách học đại học, trong khi đó chưa đến 13% học sinh đăng ký học cao đẳng nghề, trung cấp nghề hoặc hoàn thành chương trình trung học phổ thông nghề, và có đến 17% học sinh trực tiếp trở thành lao động giản đơn.
Như vậy, nền sản xuất của chúng ta chỉ có 30% người lao động trong tương lai trực tiếp lao động, sản xuất (trong đó 57% chưa qua đào tạo), còn 70% người lao động tương lai kỳ vọng sẽ trở thành "thầy", lao động "trình độ cao".
Mà, thực tiễn xã hội cần đến 90% lao động trực tiếp, 7% lao động gián tiếp (phục vụ cho lao động trực tiếp) và 3% lao động quản lý thôi. Vậy tất yếu trong "70% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký đi học đại học" kia sẽ có ít nhất 80-90% đi làm lao động trực tiếp khi họ tham gia thị trường lao động.
Nghĩa là, người tốt nghiệp đại học chạy xe ôm công nghệ, làm công nhân đứng máy chính là hệ quả của tình trạng không phân luồng học sinh đúng trong quá trình giáo dục phổ thông.
Thứ ba, học phí không phải là rào cản, mà là bộ lọc cho sự đầu tư của xã hội (mà cụ thể là của từng gia đình) vào nguồn nhân lực. Muốn có lực lượng lao động "thầy ra thầy, thợ ra thợ" thì đào tạo thầy phải ra đào tạo thầy, đào tạo thợ phải ra đào tạo thợ.
Muốn có lực lượng lao động trình độ cao chất lượng thì quá trình đào tạo trình độ cao phải chất lượng, mà chất lượng chỉ đến từ sự đầu tư đúng mức.
Sàng lọc trong giáo dục, đào tạo càng khắc nghiệt thì sản phẩm giáo dục đào tạo càng chất lượng, người tốt nghiệp các loại hình đào tạo trong mô hình sàng lọc khắc nghiệt đó sẽ càng bản lĩnh và chuyên môn hoá cao hơn (các nghiên cứu về giáo dục đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ cho rằng tỷ lệ sàng lọc trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nên ở mức loại bỏ trên 60-75% ứng viên trúng tuyển sau quá trình đào tạo, để số 25-40% người trúng tuyển còn lại khi tốt nghiệp bậc đại học thật sự là tinh hoa).
Điều đáng lo khi tăng học phí không phải là lãng phí của cải xã hội, mà là liệu các trường đại học có vượt qua được cám dỗ thu nhập để nghiêm túc sàng lọc trong quá trình đào tạo, hay vẫn duy trì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao?
Trinh Giang Toan
>>Ý kiến của bạn thế nào về học phí đại học? Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.