Nội dung này nằm trong Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó Covid-19 do Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi các Sở, ban hành ngày 13/12.
Vì tính khác thường của thông tin trên, tôi lập tức làm hai việc: Tham khảo ý kiến của lãnh đạo một trường tiểu học và tìm văn bản gốc để đọc kỹ.
Kết quả, lãnh đạo trường tiểu học cho hay, chính chị cũng đang hoang mang vì mới chỉ đọc tin trên báo do văn bản chưa về đến trường. Và với những gì đọc được, chị chưa hiểu trường mình sắp tới sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ cho hai khối lớp bé nhất như thế nào.
Khi tìm đến văn bản gốc, tôi hiểu Bộ đang hướng dẫn các Sở triển khai tổ chức dạy học và đánh giá học sinh tiểu học, theo Nghị quyết 128 về việc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Văn bản có hai nội dung: Phần 1 đề cập đến chủ trương "Thực hiện linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học"; Phần 2 hướng dẫn cụ thể cách tổ chức đánh giá học sinh tiểu học. Và sự khó hiểu nằm ở cách hướng dẫn triển khai này.
Bộ yêu cầu, đối với lớp 1, 2, việc đánh giá định kỳ (tức là kiểm tra cuối kỳ 1 và cuối năm) được tổ chức trực tiếp. Trong trường hợp bất khả kháng, nếu học sinh không thể đến lớp, các trường có thể triển khai trực tuyến, nhưng phải báo cáo Phòng Giáo dục về phương án tổ chức, để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
Trong khi đó, đối với các lớp 3, 4, 5, yêu cầu của Bộ "mềm" hơn - "bài kiểm tra định kỳ được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến". Ngoài hai bài kiểm tra cuối kỳ 1 và cuối năm như lớp 1, 2 và 3 thì đánh giá định kỳ của khối 4 và 5 còn bao gồm bài kiểm tra giữa kỳ 1 và giữa kỳ 2.
Vậy tại sao với lớp 1 và 2, Bộ yêu cầu kiểm tra trực tiếp và đòi hỏi nhà trường báo cáo, xin phép các Phòng Giáo dục để được tổ chức trực tuyến trong điều kiện bất khả kháng; trong khi với các khối lớp còn lại, trường được chủ động triển khai linh hoạt?
Nhiều phụ huynh có thắc mắc giống tôi. Họ bày tỏ nỗi lo khi con em còn nhỏ quá, dịch ở địa phương đang tăng mà lại phải mang trẻ đến kiểm tra định kỳ tại trường. Một phụ huynh cho rằng "quy định này cho thấy khả năng ra đề trực tuyến và đánh giá học sinh lớp 1, lớp 2 còn hạn chế". Nhiều người băn khoăn, nếu đã cho trẻ học online rồi thì tiếc gì mà không cho kiểm tra trực tuyến. Các con còn chưa tới trường một ngày nào để đi học, nay bỗng tới trường chỉ để kiểm tra thi cử là sao?".
Tôi chia sẻ nỗi lo với phụ huynh. Vả lại, tôi vốn cho rằng, Covid-19 là một thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới cách kiểm tra, thi cử. Với tuổi lớp 1, lớp 2 vừa học, vừa chơi, liệu có quá khó để thầy cô nghĩ ra các phương pháp kiểm tra, đánh giá đơn giản, hiệu quả bằng các hoạt động online hay không?
Bên cạnh ưu tiên thi trực tiếp, Bộ để ngỏ trường hợp bất khả kháng để các trường vẫn có thể kiểm tra trực tuyến; nhưng "thòng" thêm điều kiện "báo cáo Phòng Giáo dục" duyệt phương án. Lúc đó, một trường tiểu học được chủ động triển khai phương án kiểm tra trực tuyến cho lớp 3, 4, 5 nhưng sẽ phải trình, báo cáo để được xem xét phương án thi trực tuyến cho lớp 1 và 2. Văn bản cũng không nhắc tới điều kiện cụ thể để được phê duyệt là gì. Nếu vậy các Phòng Giáo dục cũng sẽ bối rối. Rồi có nơi duyệt, có nơi không. Các trường sẽ phải chạy đi chạy lại.
Cũng là một phụ huynh, tôi đã chứng kiến đủ những vất vả, thách thức mà giáo viên và trường học phải đối mặt trong ba năm dịch giã vừa qua. Tôi tin rằng, các trường cũng mong đợi Bộ Giáo dục & Đào tạo hỗ trợ giải pháp tháo gỡ khó khăn, thay vì quàng thêm việc.
Với kinh nghiệm tiếp xúc với các văn bản hành chính, tôi hy vọng, đây tiếp tục chỉ là kết quả của một sự thiếu chặt chẽ về mặt câu chữ; không phản ánh tư duy tổ chức của các nhà quản lý.
Bởi, trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, một cuộc kiểm tra trực tiếp với học sinh có thể trở thành cuộc kiểm tra sức chịu đựng của nhà trường và phụ huynh.
Nguyễn Anh Thi