PGS.TS Vũ Huy Thông, Trưởng khoa Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), cho biết truyền thông trong marketing hiểu nôm na là nội dung, phương tiện để truyền tải thông điệp về sản phẩm, thương hiệu... từ một tổ chức tới nhóm khách hàng nhất định, nhằm tiếp thị.
Theo Trung tâm dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trong giai đoạn 2022-2025, ngành Truyền thông - Quảng cáo - Marketing tại TP HCM sẽ cần 21.600 lao động mỗi năm.
Ngoài đào tạo riêng từng ngành, một số trường có chương trình kết hợp giữa Truyền thông và Marketing như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Đà Nẵng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội)... và đều lấy điểm chuẩn cao.
Chẳng hạn, ở NEU, điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của ngành này là 37,1/40 với môn Toán hoặc Tiếng Anh nhân hệ số hai, tức thí sinh phải đạt trung bình 9,27 điểm một môn mới đỗ. Tương tự, ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mức trúng tuyển năm ngoái là 36,97/40.
Chương trình, học phí
Theo công bố của các trường, chương trình Truyền thông Marketing gồm khoảng 134-161 tín chỉ, học trong 4 năm. Sinh viên được học các môn liên quan đến cả hai lĩnh vực này, cùng một số môn khác tùy theo đặc thù của trường.
Tại NEU, một số môn chính là Marketing công nghệ số, Quản trị thương hiệu, Truyền thông Marketing tích hợp, Chiến lược sáng tạo trong truyền thông, Định giá thương hiệu, Quan hệ công chúng, Tổ chức sự kiện, Quản trị khủng hoảng...
Với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chương trình gồm các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức về truyền thông, tiếp thị marketing, quan hệ công chúng và quảng cáo...
Ở nhiều trường, chương trình này thuộc nhóm chất lượng cao hoặc định hướng nghề nghiệp, học phí quanh mức 40-60 triệu đồng một năm. Trong đó, NEU và Học viện Báo chí và Tuyên truyền thu theo tín chỉ, tổng một năm khoảng 40-45 triệu đồng, trường Quản trị và Kinh doanh thu trung bình 60 triệu đồng.
Việc làm
Theo PGS Thông, sau tốt nghiệp, sinh viên có thể làm ở bộ phận truyền thông của các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước. Tùy nơi, vị trí truyền thông có thể thuộc phòng quảng cáo, quan hệ công chúng, bộ phận xây dựng và phát triển thương hiệu, phòng marketing....
Ngoài ra, người học Truyền thông Marketing cũng có thể đảm nhận các vị trí quản lý trong các doanh nghiệp về quảng cáo, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, tư vấn thương hiệu.
Mức lương
Tại Việt Nam, theo trang Salary Explorer, người làm marketing kiếm từ 9 triệu đồng (lương khởi điểm trung bình) đến 32 triệu đồng/tháng (lương tối đa trung bình). Với Quan hệ công chúng, mức lương khoảng 7,7-28,8 triệu đồng.
PGS Thông cho biết dựa trên khảo sát của khoa, tân cử nhân mới tốt nghiệp thường kiếm được khoảng 10-15 triệu đồng. Những em yếu ngoại ngữ có thu nhập thấp hơn, chừng 7-10 triệu.
Nếu tốt nghiệp xuất sắc, giỏi ngoại ngữ, sinh viên có thể được trả 1.000 USD (khoảng 25 triệu đồng) ngay khi ra trường, sau 1-2 năm tăng gấp đôi.
Ngoài làm công ăn lương, ông Thông cho rằng với những kỹ năng về quản trị, marketing và truyền thông, cùng năng lực ngoại ngữ, nhiều sinh viên chọn con đường khởi nghiệp. Khi đó, thu nhập có thể gấp nhiều lần mức bình quân.
Thanh Hằng