Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Hà Nội hiện có quy mô đào tạo ngành ngôn ngữ lớn nhất miền Bắc, tuyển trên 1.750 tân sinh viên mỗi năm. Trong đó, Ngôn ngữ Trung chiếm hơn 200 chỉ tiêu.
Theo TS Phạm Minh Tiến, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ, ngành này được ưa chuộng do hợp tác giữa hai nước ngày càng mở rộng, nhu cầu về nhân lực biết tiếng Trung tăng.
TS Đinh Thị Thanh Nga, Trưởng khoa tiếng Trung Quốc, trường Đại học Hà Nội, cho hay sự đa dạng về học bổng và cơ hội trao đổi sinh viên, cũng góp phần làm tăng sự cạnh tranh và điểm chuẩn của ngành. Ba năm gần đây, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của trường đều lấy hơn 35/40 điểm, cao hơn các ngành ngôn ngữ khác.
Chương trình học
Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại trường Đại học Hà Nội gồm 150 tín chỉ. Theo TS Nga, sinh viên được trang bị kiến thức toàn diện về ngôn ngữ, văn hóa và các kỹ năng cần thiết để làm việc trong nhiều lĩnh vực, định hướng chính là Biên-phiên dịch và Du lịch.
TS Nga cho hay sinh viên đi thực tập vào học kỳ thứ 7 và 8. Hàng năm, khoa cũng tổ chức chương trình trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp để sinh viên nghe chia sẻ quy mô hoạt động và các vị trí việc làm. Không chỉ ở Việt Nam, sinh viên còn có cơ hội thực tập hưởng lương tại Đài Loan.
Tại trường Đại học Ngoại ngữ, chương trình có 129 tín chỉ, với ba nhóm nội dung, gồm kiến thức chung, ngành và kiến thức theo lĩnh vực. Ở khối kiến thức ngành, sinh viên được định hướng Biên-Phiên dịch và Kinh tế.
Ngoài thực tập ở các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam hay cơ quan có nghiệp vụ liên quan, sinh viên còn được học hỏi tại các trường phổ thông, đại học, trung tâm ngoại ngữ. Các em cũng có cơ hội thực tập hưởng lương ở nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản...
Học phí
Trường Đại học Hà Nội cho biết dự kiến học phí của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc năm học 2024-2025 là gần 28 triệu đồng một năm với chương trình đại trà, gần 34 triệu với chương trình tiên tiến. Học phí có thể được điều chỉnh vào các năm sau, mức tăng không quá 15%.
Ở trường Đại học Ngoại ngữ, học phí ngành này là 38 triệu đồng một năm.
Các vị trí việc làm sau tốt nghiệp
Theo TS Nga, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung Quốc không chỉ đi biên dịch hay đi dạy như quan niệm của nhiều người, mà đa dạng hơn.
Các vị trí việc làm được gợi ý:
- Biên, phiên dịch
- Giáo viên tiếng Trung
- Kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu và phát triển thị trường
- Du lịch và lữ hành: Làm hướng dẫn viên du lịch hoặc chuyên viên tổ chức sự kiện du lịch
- Truyền thông và marketing: Quản lý nội dung, thông tin cho các trang web, mạng xã hội hoặc triển khai chiến dịch marketing hướng đến thị trường Trung Quốc
- Quan hệ quốc tế và ngoại giao
- Tư vấn và quản lý dự án
Ở trường Đại học Ngoại ngữ, các vị trí việc làm được chia thành 4 nhóm:
Nhóm 1: Biên, phiên dịch viên; biên tập viên
Biên dịch văn bản hoặc phiên dịch các cuộc gặp song phương; biên tập viên tại nhà xuất bản; phóng viên và chuyên gia hiệu đính bản tin thời sự, văn hóa xã hội ở cơ quan thông tấn.
Nhóm 2: Thư ký văn phòng, trợ lý đối ngoại, nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên du lịch, điều phối dự án
Làm việc trong các công ty nước ngoài, Việt Nam hoặc liên doanh, phụ trách công việc liên quan đến đối ngoại, hợp tác, xuất nhập khẩu, du lịch...
Nhóm 3: Giảng viên, giáo viên
Nếu có nhu cầu, người học có thể chuyển sang giảng dạy tiếng Trung Quốc tại các trường đại học, cao đẳng và phổ thông bằng cách học thêm khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm.
Nhóm 4: Nghiên cứu viên trong các trung tâm nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ hoặc học lên trình độ cao.
Mức lương
Theo hai chuyên gia, mức lương của cử nhân ngành Ngôn ngữ Trung Quốc "khá hấp dẫn". Cụ thể, biên phiên dịch viên mới ra trường thường nhận lương khởi điểm 8-12 triệu đồng, lên mức 15-20 triệu đồng mỗi tháng khi có kinh nghiệm.
Giáo viên tiếng Trung Quốc tại các trung tâm ngoại ngữ hoặc trường học có lương 10-15 triệu đồng một tháng, cũng tăng dần theo kinh nghiệm và uy tín.
Các vị trí như chuyên viên kinh doanh, quản lý dự án hoặc chuyên viên marketing trong công ty đa quốc gia có thể được trả 12-30 triệu đồng mỗi tháng hoặc cao hơn đối với vị trí quản lý cao cấp.
Nếu làm trong lĩnh vực du lịch, lương của hướng dẫn viên hoặc nhân viên từ 8 đến 15 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, họ có thu nhập thêm từ tiền hoa hồng và phụ cấp.
Để đạt được mức thu nhập trên, sinh viên khi ra trường cần có chứng chỉ Hán ngữ quốc tế (HSK, HSKK) cấp 5/6 trở lên. Ở một số doanh nghiệp, cử nhân còn cần biết thêm tiếng Anh, tối thiểu B2 trở lên.
"Sinh viên cần rèn luyện ý thức, thái độ và cách làm việc khoa học, tìm hiểu thị trường và văn hóa doanh nghiệp. Khi chuẩn bị sớm, các em có thể tìm được công việc tốt nhất với khả năng", ông Tiến nói.
Bình Minh