Trong hai ngày 30/6 và 1/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố điểm thi lớp 10 của hơn 104.000 học sinh và điểm chuẩn các trường THPT công lập. Với 72.000 chỉ tiêu, số học sinh trượt trường công lập là gần 32.000.
Thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, nhìn nhận nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, học sinh có thể rơi vào hai tình huống: đỗ nguyện vọng 2, 3 hoặc không đỗ nguyện vọng nào.
Với những học sinh đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3, thầy Cường cho rằng gia đình có thể phúc khảo bài thi, nhưng không nên bỏ tất cả để trông chờ kết quả này. Theo quy định, thời gian nộp đơn phúc khảo từ 1 đến 7/7, kết quả sẽ có trong hai tuần, tính từ thời điểm hết hạn nhận đơn.
Nếu chờ kết quả phúc khảo, học sinh sẽ bỏ lỡ thời điểm xác nhận nhập học, diễn ra từ ngày 5 tới 7/7. Do đó, thầy Cường khuyên phụ huynh xác nhận nhập học trước. Nếu kết quả phúc khảo đủ để các em đỗ trường nguyện vọng 1, khi đó gia đình trao đổi với trường đã nhập học để được hướng dẫn bước tiếp theo.
Trường hợp không đỗ nguyện vọng công lập nào, thầy Cường cho rằng đây là nỗi buồn lớn, nhất là với những học sinh có lực học tốt nhưng sơ suất khi làm bài. Việc phụ huynh cần làm là chia sẻ và hỗ trợ con cái về những hướng đi khác.
Theo thầy, vào lớp 10 trường THPT công lập không phải là con đường duy nhất để các em theo đuổi việc học. Nhiều trường khác cũng có thể giúp các em thành công, quen thêm nhiều bạn bè, thầy cô giỏi.
Hiện, hệ thống giáo dục có nhiều loại hình đào tạo để đáp ứng những nhu cầu khác nhau. Ngoài trường THPT công lập, học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 có thể học tại các trường tư thục, vừa học vừa làm (hệ giáo dục thường xuyên) và học nghề (trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề).
Lựa chọn phổ biến nhất là học tại các trường tư thục. Hiện, Hà Nội có 95 trường thuộc nhóm này, tuyển 27.000 học sinh. Trong đó, tất cả đều xét tuyển bằng học bạ, 34 trường xét thêm điểm kỳ thi vào lớp 10.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, cho rằng nhóm trường xét học bạ có thể đã đóng đơn, còn nhóm xét tuyển bằng điểm thi vẫn còn tuyển. Vì vậy, phụ huynh cần nhanh chóng tìm hiểu, mua hồ sơ ở trường phù hợp, dựa trên một số tiêu chí như điều kiện kinh tế gia đình, khoảng cách từ nhà tới trường, lực học và nguyện vọng của con, triết lý và chương trình giáo dục của trường.
"Các trường tư thục có điều kiện vật chất tốt, chương trình học cũng không khác công lập. Học sinh công lập và tư thục đều bình đẳng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Do đó, lựa chọn học tư thục không phải quá tệ", cô Quỳnh nói.
Ngoài vào trường tư, học sinh có thể chọn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Năm nay, chỉ tiêu của nhóm này là 27.000.
Nếu theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các em được học nghề song song chương trình văn hóa, sau ba năm vừa lấy bằng trung cấp, vừa tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nhiều trường nghề có chương trình 9 +. Học sinh tốt nghiệp THCS có thể lấy bằng trung cấp sau ba năm hoặc bằng cao đẳng sau 4 năm. Cách này tiết kiệm 1-2 năm so với cách truyền thống là tốt nghiệp THPT rồi mới học nghề.
Song song với việc tìm chỗ học cho con, cô Quỳnh và thầy Cường khuyên phụ huynh sát sao, đồng hành cùng con để vượt qua cú sốc tâm lý, vì "kết quả không được như mong muốn, chính các em là người buồn nhất".
"Đây không phải lúc bố mẹ trách mắng hay các em tự dằn vặt bản thân, việc tìm nguyên nhân vì sao con trượt cũng không có nhiều ý nghĩa ở thời điểm này", thầy Cường nói.
Theo cô Quỳnh, các em rất cần người lớn chia sẻ, định hướng, việc cố gắng tìm nguyên nhân hay trách mắng chỉ khiến tình hình tệ hơn. "Bố mẹ phải giúp con vượt qua mặc cảm trượt cấp ba, gợi ra những hướng đi mới", cô Quỳnh nói.
Thầy Cường gợi ý các gia đình tổ chức vui chơi để giải tỏa tâm lý cho con. Nếu học sinh có cảm xúc phức tạp, tiêu cực, phụ huynh nên tìm tới sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.
"Thi vào lớp 10 chỉ là một ngưỡng trong cuộc đời và con đường phía trước của các em vẫn rất dài", thầy nói.
Thanh Hằng