Đứng từ góc độ sư phạm, trẻ cần nghỉ hè. Việc học tập liên tục gây căng thẳng, lo lắng và áp lực với não bộ. Do vậy, các nước tiên tiến thường chia một năm học thành ba hoặc bốn kỳ thay vì hai kỳ như ở Việt Nam. Quãng nghỉ là rất cần thiết để trẻ điều tiết giảm tải, cho não có cơ hội phát triển tốt. Việc trẻ rơi rụng kiến thức sau kỳ nghỉ, thực tế lại là một hiện tượng bình thường khi não ức chế. Nếu trẻ học vẹt để đáp ứng yêu cầu thi cử, việc quên đi lại là một cơ chế tự bảo vệ bình thường của não bộ để tránh quá tải.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một sự thật là những kỳ nghỉ hè quá dài làm trẻ khó khăn khi đi học trở lại. Một nghiên cứu về IQ từng cho thấy, người bình thường sẽ giảm trung bình khoảng hơn 5 điểm IQ sau một kỳ nghỉ dài ngày. Mặc dù Australia chỉ có khoảng 6 tuần nghỉ hè, đây vẫn là một hiện tượng phổ biến được các giáo viên gọi là hiệu ứng sụt giảm học tập do hè (summer slump). Vậy nên, như một nghịch lý, trẻ cũng lại cần học hè, tuy nhiên, có thể không phải như cách mà chúng ta tưởng tượng.
Các chuyên gia giáo dục thống nhất rằng cách học hè hiệu quả nhất là tự học. Do trong quá trình giảm áp lực, não bộ cần chế độ linh hoạt để không đè thêm căng thẳng lên thần kinh. Trẻ cần được học điều trẻ thích ở nhịp độ phù hợp. Mà phù hợp nhất là do trẻ tự quyết định. Một cách học hè hiệu quả là sau thời gian nghỉ ngơi tương đối, trẻ ôn lại những kiến thức, kỹ năng thú vị đã học trong năm trước. Trẻ có thể viết một số kinh nghiệm rút đúc từ những sai lầm trong năm học để làm tốt hơn. Việc cho trẻ làm quen trước với nội dung của năm học tiếp theo là tốt, nhưng nên tạo điều kiện cho trẻ tự khám phá. Qua đó, trẻ có thể tự đặt mục tiêu cho năm học mới. Mọi hướng dẫn chỉ nên dừng lại ở mức độ hỗ trợ.
Nếu việc học theo lớp phụ đạo giúp trẻ nắm bắt kiến thức trong thời gian ngắn, thì việc xây dựng khả năng tự học sẽ hữu ích cho tính sáng tạo và quá trình học tập suốt đời của mỗi người.
Tuy nhiên, có thể sẽ là sai lầm lớn nếu cho trẻ tự quyết định mọi thứ. Do không phải đến trường, hè là thời gian tuyệt vời để theo đuổi những đam mê tốn thời gian. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, mặc dù chơi game ở mức độ vừa phải tốt cho phát triển của trẻ, nghiện game và mạng xã hội cũng hủy hoại não bộ như là nghiện thuốc và nghiện cờ bạc. Vậy nên, cần hướng trẻ tới những đam mê lành mạnh và có lợi cho thể chất.
Trẻ có thể tập thể thao mỗi ngày từ khoảng một tiếng rưỡi tới hai tiếng rưỡi (chia làm hai lần). Việc học các môn nghệ thuật cần trường lớp do những nguyên tắc nhập môn phức tạp, tuy nhiên việc học ngoại ngữ lại không nên theo lối này. Cách học ngoại ngữ hè tốt nhất với trẻ không phải là đến lớp để học thêm kiến thức mới, mà là áp dụng những thứ đã được học vào cuộc sống, như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, trò chuyện... Sẽ luôn có những học liệu phù hợp với mọi trình độ của trẻ. Không nên ép trẻ phải theo đuổi những thứ ngoài tầm với.
Trại hè và những chuyến tham quan là cơ hội tuyệt vời với trẻ để có góc nhìn khác về cuộc sống. Tuy nhiên, phụ huynh không nên để những cơ hội này trôi qua vô ích. Trẻ không nên tới một nơi chỉ vì bố mẹ muốn chúng tới đó. Hãy để trẻ hiểu ý nghĩa của chuyến đi, lên kế hoạch, chuẩn bị, tương tác và rút đúc kinh nghiệm. Việc tham gia quá nhiều trại hè sẽ có hại nhiều hơn lợi, do không cho trẻ khoảng lặng cần thiết để lắng đọng.
Tôi tin rằng không cần những chỉ dẫn sách vở trên, hầu hết các bậc phụ huynh đều biết điều gì là tốt với trẻ. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là tâm lý lo sợ con cái thua bạn kém bè, không theo kịp trường lớp. Ngay cả khi con cái đã học giỏi, bố mẹ vẫn muốn con cái giỏi hơn, lo sợ rằng việc để thời gian chết là lãng phí năng lực và hủy hoại tương lai của trẻ. Việc này đẩy trẻ vào những vòng đua vô tận, từ trong năm học tới kỳ nghỉ, rồi lại tới năm học tiếp theo. Để tránh hiện tượng tâm lý này, phụ huynh cần hiểu rằng nghỉ ngơi là một phần không thể thiếu của học tập.
Cơ bắp gồng quá thì rách, não bộ áp lực quá thì căng thẳng. Việc phải chịu quá nhiều áp lực sẽ gây ra những thương tổn thần kinh ở mức độ nhất định cho trẻ.
Tô Thức