Klaus L sẽ trình diện trước tòa án tại Munich, bang Bavaria của Đức trong chiều 6/7 (theo giờ địa phương). Các công tố viên liên bang cáo buộc học giả này tuồn thông tin mật của chính phủ Đức cho tình báo Trung Quốc.
Cơ quan công tố cho biết nghi phạm thu thập các thông tin mật "chủ yếu từ các đầu mối chính trị cấp cao mà ông ta quen biết thông qua viện nghiên cứu". Giới chức Đức không công bố danh tính đầy đủ của nghi phạm, cũng như tên của viện tư vấn chính sách mà ông này làm lãnh đạo.
Các thông tin đó được gửi tới đầu mối Trung Quốc "trước hoặc sau mỗi chuyến thăm cấp nhà nước hoặc hội nghị đa quốc gia, cũng như về một số vấn đề nhất định".
"Nghi phạm được đài thọ tới dự những cuộc họp cùng nhân viên tình báo Trung Quốc. Ông ta nhận một chương trình hỗ trợ và được trả phí", thông cáo của cơ quan công tố cho biết.
Tình báo Trung Quốc bắt liên lạc với nhà khoa học chính trị này trong một chuyến thăm tại Thượng Hải vào tháng 6/2010. Klaus L thường xuyên cung cấp thông tin cho phía Trung Quốc từ thời điểm này đến tháng 11/2019.
Giới chức Đức mô tả nghi phạm là một nhà khoa học "danh tiếng và có mạng lưới được xây dựng qua nhiều năm". Ông này bị truy tố vào ngày 20/5 và bị bắt hôm 5/7.
Hàng loạt bê bối tình báo liên quan đến Trung Quốc thời gian qua khiến Đức và Liên minh Châu Âu (EU) xôn xao. Theo Noah Barkin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, tình báo Trung Quốc rất nỗ lực tuyển mộ nguồn tin ở Đức trong vài năm qua.
Đầu năm 2020, các công tố viên Đức từng mở một cuộc điều tra quốc tế về nghi vấn đường dây gián điệp Trung Quốc gồm nhiều công dân Đức, bao gồm một nhà ngoại giao cấp cao và hai chuyên gia vận động chính sách. Gerhard Sabathil, cựu đại sứ EU tại Hàn Quốc, còn bị tình nghi hoạt động gián điệp, nhưng cơ quan công tố cuối cùng không đủ bằng chứng kết luận.
Tờ WELT năm 2019 còn dẫn tiết lộ từ cơ quan đối ngoại EU, khẳng định khoảng 250 gián điệp Trung Quốc và 200 gián điệp Nga đang hoạt động tại Brussels. Cựu lãnh đạo tình báo Đức Gerhard Schindler năm 2020 cũng cảnh báo mối đe dọa gián điệp từ Trung Quốc đang ngày một lớn. Theo ông, Berlin cần đối phó rủi ro bằng cách giảm "phụ thuộc chiến lược" vào Trung Quốc.
Trung Nhân (Theo SCMP)