Tôi có đứa em con chú sinh năm 2000, đã tốt nghiệp đại học nhưng mãi vẫn chưa xin được việc. Chú gọi điện thoại hỏi tôi: "Con ở Sài Gòn hơn chục năm rồi, có quen biết ai thì nhờ gửi em nó vào làm với".
Tôi hỏi em học ngành nào, chú nói ngành quản trị kinh doanh, nghe tiếp tên trường thì tôi đoán chắc em sẽ rất khó khăn xin việc. Hiện tại, em vẫn ở thành phố, nhận bán cà phê lề đường để trang trải chi phí, mỗi tháng kiếm được 5-6 triệu đồng.
Chuyện thừa thầy thiếu thợ đã được nhắc đi nhắc lại ra rả từ lâu. Tầm hai chục năm trước, sau mỗi mùa thi tuyển sinh đại học, xã tôi nhà nào mở tiệc ăn mừng, chắc chắn con nhà đấy đã đậu đại học, và thường là trường có tiếng xưa giờ.
Sau đó, đi chợ, ngồi cà phê, hay gặp nhau ngoài đường, ai cũng hỏi: "Con học trường nào đấy". Có những trường tên lạ lạ, người nghe ậm ờ giả vờ biết cho qua chuyện. Cũng chẳng mấy ai mở tiệc ăn mừng vì con đỗ đại học nữa.
Bởi mấy tháng trước khi lớp 12 tốt nghiệp, nhiều trường từ thành phố về tư vấn tuyển sinh, phát la liệt giấy tờ, thậm chí thông báo nhập học.
Đại học bị phân hóa, còn phụ huynh cày cuốc kiếm tiền để con mình học đại học cho có tiếng với người ta. Song, ngay tại một số trường có tiếng, vẫn tồn tại một số ngành học khó kiếm việc.
Tôi lấy ví dụ ngành quản trị kinh doanh, con nhà nông nhưng học quản trị kinh doanh là một thách thức lớn. Năng lực rất giỏi, đầu óc nhạy bén mới may ra có việc tốt. Mà ngành này, nhà có điều kiện, có mối quan hệ hoặc có sẵn doanh nghiệp, họ cho con vào học rồi về điều hành, quản lý công việc làm ăn của gia đình. Nếu không giỏi, làm sao chen chân vào làm?
Công sức, tiền bạc bốn năm đại học tốn cả trăm, thậm chí vài trăm triệu, theo đà tăng học phí hiện nay và chi phí sinh hoạt, nhưng học đại học dở dở ương ương nó không phải là đầu tư cho giáo dục nữa, mà chính là chơi một canh bạc rủi ro.
Minh Phát
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.