Tôi có vốn tiếng Anh đã khá vững, cách học ngữ pháp cũng tương tự nên tôi nghĩ mình có thể làm được. Tuy nhiên, tiếng Đức là một ngôn ngữ tương đối khó. Ngữ pháp khó hơn tiếng Anh rất nhiều. Từ vựng cũng đa dạng và bố cục từ vựng khó. Mỗi vùng miền có cách phát âm và dùng từ khác nhau. Trong bốn năm sau đó tôi học tiếng Đức ở nhà và trên trường, thậm chí sống ở Đức mỗi năm vài tháng để cải thiện vốn ngôn ngữ. Chỉ đến khi biết cách đặt câu hỏi bằng tiếng Đức, tôi mới tự tin.
Thời phổ thông trung học, tôi học trường chuyên, ở một thành phố nhỏ. Như bao trường chuyên khác, học sinh được ôn luyện từng ngày để tham gia các cuộc thi cấp địa phương và quốc gia. Mục tiêu của tất cả học sinh, giáo viên và phụ huynh là đỗ vào một trường đại học tốt. Trong suốt những năm phổ thông, tôi học cách trả lời tốt các câu hỏi, nhưng không bao giờ học cách đặt câu hỏi.
Khi lên đại học, tôi học tại một trường nữ sinh nhỏ ở miền Nam nước Mỹ. Tôi vẫn dùng phương pháp trả bài ấy, kỹ năng mà nhiều năm ở Việt Nam đã dạy tôi rất tốt để đạt điểm cao. Tôi chọn các môn tương đối an toàn mà nhiều bạn Việt Nam khác cũng học như Toán và Kinh tế bởi có vẻ như các bài toán kinh tế thường có một hoặc vài cách giải quyết. Các tình huống đưa ra không hề mơ hồ. Mỗi câu hỏi sẽ có một đáp án đúng. Tôi cũng theo đuổi thêm môn phụ là lịch sử. Tôi thích học lịch sử, đặc biệt là lịch sử châu Âu hiện đại. Tuy nhiên tôi không phải là sinh viên sáng nhất khoa sử dù có thể ghi nhớ và luôn trả lời được hầu hết câu hỏi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sang Đức làm trợ lý nghiên cứu cho hai nhà nhân chủng học (anthropologists). Lần đầu tiên tôi được đồng nghiệp chỉ cho rằng, đặt câu hỏi là bước cơ bản để trở thành một nhà nghiên cứu. Họ khuyến khích tôi đặt những câu hỏi từ rất đơn giản, ví dụ "định nghĩa của từ này là gì?", "trong bối cảnh như vậy việc gì sẽ xảy ra?" cho đến những câu phức tạp cần miêu tả dài dòng. Tôi bắt đầu chú ý đến cách đồng nghiệp hỏi tại các buổi họp và hội thảo. Sau khoảng một năm, tôi đi thực địa cùng các giáo sư và bắt đầu phải viết rất nhiều ghi chép. Đây là cơ hội cho tôi luyện tập đặt câu hỏi.
Hai năm làm việc ở Đức, học cách đặt câu hỏi đã thôi thúc tôi trên con đường học vấn. Tôi quay lại Mỹ theo đuổi việc lấy bằng tiến sĩ ngành Xã hội học. Tôi bắt đầu viết và xuất bản các nghiên cứu về những hiện tượng xã hội như dư luận về nhập cư, phản ứng của mạng xã hội đối với các sự kiện bi thảm và sự hình thành nền tảng xã hội cho các phong trào xã hội. Tôi nghiên cứu và viết về các hiện tượng xã hội phức tạp thông qua việc hỏi mọi điều chưa biết.
Kỹ năng hỏi giúp tôi trong lúc làm nghiên cứu, và hiện giờ ở nơi làm việc. Tôi quyết định không theo đuổi sự nghiệp học thuật với tư cách là giáo sư mà trở thành nhà khoa học dữ liệu (data scientist). Công việc chính của tôi xoay quanh việc xây dựng giải pháp kỹ thuật cho các bài toán kinh doanh. 90% thời gian của tôi dành để trao đổi với đồng nghiệp và các bộ phận khác trong công ty.
Trong thời gian rảnh rỗi, tôi cố gắng gặp gỡ ít nhất hai sinh viên mỗi tuần thông qua Techsphere, một nền tảng do Vietnam Tech Society xây dựng, nhằm kết nối sinh viên Việt Nam với những người đi trước trong lĩnh vực công nghệ. Hầu hết sinh viên gặp tôi với mục đích rất cụ thể như muốn tôi xem qua sơ yếu lí lịch, nhờ tôi cho lời khuyên để trở thành nhà khoa học dữ liệu... Nhưng do không biết đặt câu hỏi, nhiều bạn không tận dụng được 30 phút gặp gỡ đó.
Tôi luôn hy vọng các bạn chuẩn bị sẵn một danh sách câu hỏi, sắp xếp chúng thành 2-3 chủ đề. Các bạn sẽ cảm thấy chủ động, và tự tin hơn trong cuộc trò chuyện. Trong các cuộc phỏng vấn xin việc, ứng viên cũng nên làm điều tương tự. Đây không chỉ là cơ hội để công ty đặt câu hỏi, mà còn là cơ hội để các bạn phỏng vấn ngược, nhằm nắm được nhiều thông tin hơn về nơi có thể là môi trường làm việc tương lai của mình.
Tôi học nghệ thuật đặt câu hỏi qua thử nghiệm và cả sai lầm, bằng cách đi thực địa lúc đi làm nghiên cứu, và hiện giờ là qua việc phỏng vấn rất nhiều ứng viên xin việc. Nhưng tôi vẫn ước rằng mình đã được học kỹ năng này sớm hơn, trong gia đình, ở trường phổ thông hoặc thậm chí ở trường đại học.
Thân Hạnh Nga