Thời gian học ở Australia tuy không lâu nhưng với hai con của tôi, dù hiện đang học tiểu học ở Việt Nam nhưng các cháu cũng thu lượm được thêm nhiều điều quý giá.
Một trong những điều quý giá nhất đối với các bé là ngoài việc được học trong một môi trường giáo dục phát huy tối đa sự sáng tạo, chính là được truyền niềm say mê đọc sách, hiểu giá trị của sách và biết kỹ năng đọc sách.
Phải nói rằng nền giáo dục Australia rất chú trọng giá trị của việc đọc sách, ngay từ cấp học pre-school (gọi chung của các lớp học nhà trẻ, mẫu giáo).
Một phần quan trọng không thể thiếu trong các lớp học là khu đọc sách với các giá đủ các loại sách như sách xếp hình (puzzle), sách nổi (pop-up), sách dán (sticker), sách hỗ trợ âm thanh (audio)...
Những cuốn sách cũng có các chủ đề rất đa dạng, từ sách truyện cổ tích, sách về thế giới tự nhiên, cấu tạo cơ thể người, kể cả sách về tôn giáo. Khu đọc sách thường được trang trí rất đẹp, được đặt nhiều ghế mềm.
Trong giờ tự chơi, rất nhiều trẻ, thậm chí đối cả trẻ chưa biết đọc đều chọn khu đọc sách và các bé cũng có thể mượn về những cuốn sách chúng thích để nhờ bố mẹ đọc cho nghe.
Và một phần quan trọng không thể thiếu được của một buổi học là tiết học đọc sách của cô giáo. Ngày nào cũng như ngày nào, cô giáo ngồi trên một cái ghế thấp, cầm cuốn sách hướng về dưới lớp và đọc rất lôi cuốn. Một lớp học thường khoảng 15-19 cháu, ngồi ngay ngắn trên thảm, say sưa nghe cô đọc.
Trong quá trình đọc, cô giáo đưa ra rất nhiều câu hỏi và các cháu sôi nổi trình bày ý kiến của mình. Dường như bất cứ câu trả lời nào của học sinh cũng được cô giáo tán đồng, rồi được cô giáo giải thích cặn kẽ thêm nội dung câu chuyện.
Đến khi trẻ lên học cấp tiểu học thì dường như đọc sách trở thành một việc vô cùng nghiêm túc, cần sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà trường, phụ huynh và các em học sinh.
Ở lớp Prep (lớp 5 tuổi, lớp chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 nhưng nằm trong hệ thống trường tiểu học, tương đương với lớp mẫu giáo lớn ở Việt Nam), giá sách thường được chia thành hơn 15 cấp độ đọc khác nhau.
Ở cấp độ đọc đầu tiên, đó thường là một cuốn sách mỏng, chữ to, có cốt truyện, có tranh minh họa đẹp, các chữ thường lặp đi lặp lại để trẻ dễ dàng làm quen với chữ cái và không cảm thấy chán khi lượng từ trẻ biết chưa nhiều. Cứ như thế, độ khó của sách được nâng lên theo từng cấp độ. Trẻ lần lượt vượt qua các cấp độ đọc một cách dễ dàng.
Điều đáng chú ý là việc hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho trẻ rất được chú trọng. Trang bìa trước hay bìa sau của mỗi cuốn sách bao giờ cũng có phần hướng dẫn cách đọc. Chẳng hạn, đối với trẻ, bước đầu tiên là nên đọc kiểu "Mắt đại bàng" (Eagle eyes) là nhìn lướt qua tranh để đoán nội dung, tiếp theo là đọc kiểu "Rắn trườn" (Stretchy Snake) là đọc chậm từng từ để cảm nội dung…
Học sinh cũng được phát các thẻ chắn sách (bookmark) không chỉ có mục đích đánh dấu chỗ sách đang đọc dở mà trong đó ghi các phương pháp tư duy khi đọc sách.
Đó là phương pháp hiểu văn bản (chẳng hạn như nhân vật chính là ai, bối cảnh câu chuyện là gì, câu chuyện có mục đích gì) và phương pháp hiểu những điều ngoài văn bản (ví dụ như bạn dự đoán câu chuyện sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào, đặt trường hợp bạn là nhân vật trong truyện, bạn sẽ hành động như thế nào).
Bên cạnh đó, sự tham gia của phụ huynh vào các buổi học rất quan trọng. Từ đầu kỳ học, giáo viên dán lên bảng thông báo trước cửa lớp kêu gọi phụ huynh đăng ký tham gia đọc sách cùng trẻ khoảng 30 phút đầu buổi học.
Các phụ huynh thường tham gia rất nhiệt tình và có trách nhiệm. Mỗi phụ huynh thường hướng dẫn một nhóm khoảng 5 trẻ, ngồi thành bàn tròn. Mỗi trẻ chuyền tay nhau đọc mỗi trang trong cuốn sách được chọn. Phụ huynh phụ trách nhóm sẽ hướng dẫn trẻ cách phát âm đúng, cách phân tích câu chuyện, đặt câu hỏi và trả lời thắc mắc của trẻ.
Cứ như thế, số lượng sách trẻ được đọc ngày càng nhiều và trẻ có thể làm chủ được cuốn sách mình đọc. Con tôi học lớp Prep thì mỗi tuần sẽ đi thư viện của trường một lần, được mượn từ 2 đến 3 cuốn sách.
Mỗi hôm đi học, các bé được phép mượn hai cuốn sách nữa ở lớp. Mỗi tuần có 3 buổi đọc sách cùng cô giáo và phụ huynh. Chưa kể những cuốn sách trẻ tự đọc ở lớp, những cuốn sách bố mẹ mua cho ở nhà thì tính sơ sơ mỗi tuần trẻ em cũng đã có thể đọc 15 cuốn sách. Số sách này nhân lên số tuần học trong năm học thì cũng là một con số đáng nể.
Ngoài chuyện được tạo môi trường đọc sách thân thiện và được trang bị kỹ năng đọc sách ngay từ nhỏ, điều kiện để người lớn được tiếp cận với sách giá rẻ cũng là một lợi thế để cho trẻ có cơ hội đọc nhiều loại sách. Cách người lớn đọc sách cũng là tấm gương để trẻ noi theo.
Hàng năm, các hội chợ sách cũ ở nhà thờ, trung tâm triển lãm thành phố được xem như là một sự kiện văn hóa quan trọng. Bạn có thể dễ dàng sở hữu đủ loại sách nghiên cứu, truyện tranh, truyện viễn tưởng, sách ẩm thực, sách khoa học, sách cũ, sách mới… với giá chỉ 50 cent đến 2 AUD (khoảng 10 đến 40 nghìn đồng).
Những người đi chợ sách thường đem theo xe đẩy, vali to hoặc thậm chí đóng trong thùng carton để cho lên xe ô tô chở về nhà. Thư viện sách của vùng cũng thường nằm ngay trông hệ thống siêu thị, mượn và trả dễ dàng.
Thư viện có phòng đọc sách cho bố mẹ, cho trẻ, chỗ chơi cho các bé nhỏ tuổi hơn. Người Australia đọc sách mọi lúc, mọi nơi, trên xe buýt, trên tàu điện, trên bãi cỏ, khi ngồi trong công viên.
Đáng mừng là hiện ở Việt Nam, bên cạnh thư viện của trường, nhiều lớp học đã có tủ sách riêng. Một số trường chưa có quỹ riêng để dành cho mua sách nên kêu gọi sự đóng góp của học sinh.
Tuy vậy, thường thì học sinh chưa có giờ đọc sách riêng. Trẻ chỉ có cơ hội đọc sách ở giá sách của lớp khi tan giờ học, tranh thủ đọc khi chờ bố mẹ đón về. Hoặc trẻ có thể đọc trong giờ ra chơi nhưng lại phải “hi sinh” thời gian chạy nhảy cùng các bạn .
Tại các hiệu sách lớn ở Hà Nội, sách cho trẻ em hiện khá phong phú và có nhiều cuốn được chia theo độ tuổi rõ ràng. Sau mỗi câu chuyện đều có câu hỏi gợi mở, kích thích tư duy của trẻ. Tuy vậy, giá sách vẫn đắt so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Nhiều cuốn sách hay đều là sách dịch của nước ngoài. Những cuốn sách có bối cảnh Việt Nam, gần gũi với đời sống của các em chưa nhiều.
Thiết nghĩ, để tạo cho trẻ niềm say mê đọc sách cũng không phải là quá khó. Điều này có thể thực hiện được từ những việc làm đơn giản của người lớn như hướng dẫn, cùng đọc với trẻ, dẫn trẻ đi hiệu sách để chọn sách. Giá mà ngoài giờ đọc trong sách giáo khoa, thời khóa biểu hàng tuần của các cháu ở trường có thêm một tiết đọc sách nữa thì thật là hữu ích.
Tôi vẫn nhớ mãi lần đưa các cháu đi hội sách cũ ở nhà thờ bên Australia. Hai con tôi có niềm say mê đặc biệt với bộ sách về chú chuột Maisy và luôn tìm cách sưu tập cho đủ bộ. Các cháu đi hết các dãy ghế và bàn trong nhà thờ, nơi bày các cuốn sách cũ nhưng không thấy. Một bà già người Australia, tình nguyện viên của hội chợ, cũng giúp hai cháu tìm những cuốn sách về Maisy.
Nửa tiếng trôi qua, tôi và các con đã bỏ cuộc, chuyển sang tham quan các gian hàng khác. Một lúc sau, thật bất ngờ, bà già người Australia tìm ra chúng tôi, tặng cho con tôi mấy cuốn sách Maisy mà bà bỏ ra gần cả tiếng tìm kiếm trong hàng ngàn cuốn sách.
Nhìn nụ cười đôn hậu của bà và ánh mắt lấp lánh của con, tôi biết, nhiều khi niềm say mê khám phá những kiến thức mới, những chân trời mới có thể bắt đầu bằng những khoảnh khắc như thế.
>> Xem thêm: Mua bestseller, hóa ra sách nhảm
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục, học hành tại đây.