Thông tin trên được ông Bùi Văn Quỳ đưa ra tại hội thảo trực tuyến chiều 10/8, sau một thời gian lượng container tồn bãi tại cảng Cát Lái đã chạm ngưỡng 100% công suất, nhân sự làm việc giảm một nửa, khiến cảng có nguy cơ gián đoạn hoạt động.
Đến cuối tuần trước, theo ông Quỳ, lượng hàng tồn tại cảng đã giảm, thời gian tàu chờ cập bến cũng đã còn dưới 8 tiếng, mức thời gian chờ rất thấp trong khai thác cảng.
Ông Bùi Văn Quỳ thông tin thêm, với sự hỗ trợ của Cục Hàng hải, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, tình hình dịch bệnh có xấu đi, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hóa thì cảng cũng có phương án hợp tác với các cảng bạn tại khu vực phía Nam để chủ động đưa hàng hóa sang xếp dỡ. "Doanh nghiệp không cần quá lo lắng", ông nói.
Liên quan đến lo ngại của doanh nghiệp về việc xuất khẩu gạo qua cảng Cát Lái, lãnh đạo Tổng công ty cho biết hoạt động này cũng đang thông suốt bình thường. Hiện chỉ có bến 125 tại cảng tạm ngưng hoạt động đóng gạo để phòng chống dịch nhưng cảng vẫn tiếp nhận đơn hàng xuất khẩu gạo được đóng từ các nơi khác về.
Hiện tại, cảng Cát Lái tích cực kêu gọi các doanh nghiệp nếu còn sản xuất thì đến nhận hàng. Những doanh nghiệp đang tạm ngừng sản xuất và đã tồn bãi trên 15 ngày thì sẽ được hỗ trợ miễn phí vận chuyển và nâng hạ hai đầu các container về các kho bãi hoặc ICD (cảng nội địa).
Song song đó, cảng Cát Lái vẫn duy trì nhập hàng chuyển về từ cảng Cái Mép nếu doanh nghiệp cam kết nhận hàng trong 2 ngày và từ cảng Hiệp Phước nếu doanh nghiệp cam kết nhận hàng trong 3 ngày. Container hàng lạnh nhập nguyên vẫn được tiếp nhận, không nhận dịch vụ sang container.
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết tỷ lệ tồn bãi ở Cát Lát đã quay lại mức bình thường là 85%. Tỷ lệ tồn bãi ở Cái Mép cũng đang nằm trong ngưỡng an toàn.
"Chúng tôi đặt mục tiêu tồn bãi ở Cát Lái là 85-86% còn Cái Mép là dưới 80%. Năng lực hiện tại tại hệ thống cảng hoàn toàn đáp ứng được lượng hàng hóa tăng trưởng theo sự phát triển của nền kinh tế", ông Lộc nói kế hoạch đến hết năm.
Theo đánh giá của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các hiệp định thương mại đã phát huy mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực 7 tháng qua nhưng gần đây chậm lại do tình hình dịch bệnh. Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu qua Cát Lái và Cái Mép vẫn sẽ tăng, nhưng phụ thuộc về tình hình kiểm soát dịch bệnh và tốc độ tiêm chủng. Do vậy, đơn vị này đưa ra 3 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất: dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III và doanh nghiệp hoạt động trở lại, lượng hàng qua Cái Lái sẽ tăng 5-7% và Cái Mép là 12-15%.
Kịch bản thứ hai: Dịch bệnh được kiểm soát vào đầu quý IV, do dịch chuyển hàng hóa qua cảng Cái Mép và chính sách thu phí cảng biển ở TP HCM nên sản lượng tại Cái Mép sẽ tăng 15-17% còn Cát Lái sẽ tăng 3-5%.
Kịch bản thứ ba: Dịch bệnh được kiểm soát vào giữa quý IV, doanh nghiệp chỉ hoạt động một nửa công suất thì lượng hàng qua cảng Cát Lái và Cái Mép tương đương 6 tháng đầu năm.
Tân Cảng Sài Gòn khuyến nghị doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất và hàng hóa trong điều kiện tuân thủ các quy định chống dịch nhằm đảm bảo mục tiêu kép. Nỗ lực này rất quan trọng để tránh dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam đến các thị trường khác. Nếu xuất hiện tình trạng đó thì các hãng vận tải sẽ có động thái thay đổi về lịch tàu, làm gia tăng thêm chi phí vận chuyển và căng thẳng thêm việc thiếu hụt container.
Với các hãng tàu, Tổng công ty khuyến nghị nên chủ động nắm sát thông tin về nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp để bố trí lịch tàu phù hợp, tránh việc hàng nhập về lẫn xuất đi bị ùn ứ.
Viễn Thông