Ngày 6/8, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, lượng hàng tồn tại cảng đã giảm dần những ngày qua, ngày 4/8 lượng hàng tồn toàn cảng còn hơn 106.700 Teus, chiếm 85%; ngày 3/8, lượng hàng tồn là gần 108.800 Teus, chiếm 87%.
Đầu tuần trước, lượt tàu vào, rời cảng Cát Lái là 57 tàu. Cùng thời điểm tuần này, số tàu hoạt động khu vực cảng là 41 tàu (giảm hơn 28%). Hàng nhập vào cảng cũng giảm hơn 6.300 Teus (giảm 32%) so với tuần trước.
Tuần trước đó, lượng hàng, container tồn ở cảng Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100%.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam cho biết, sau khi Cục và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa ra nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ, Chi cục Hàng hải VN tại TP HCM đã phối hợp với doanh nghiệp cảng làm việc với từng chủ hàng có hàng tồn để chủ hàng sớm nhận hàng để tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng. Qua rà soát có gần 200 doanh nghiệp có hàng nhập tồn tại cảng Cát Lái, các bên cùng nắm bắt được kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp, dự kiến kế hoạch rút hàng.
Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập, nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi và điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng. Đồng thời, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Cát Lái.
Tân Cảng Sài Gòn cũng lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa hàng nhập tại cảng Cát Lái và nghiên cứu ban hành chính sách giảm giá để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái và Hiệp Phước.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan) có cơ chế cho phép Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại các cảng.
Đồng thời, xác định nguyên nhân của việc hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập tại cảng Cát Lái tăng cao là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động, Cục Hàng hải đã đề nghị UBND các địa phương hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng trên địa bàn có thể nhận hàng, giảm áp lực cho cảng Cát Lái.
Tuần trước, cảng Cát Lái đứng trước nguy cơ tắc nghẽn do khó khăn trong công tác giải phóng hàng nhập trong thời gian các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt giãn cách xã hội, nhiều đơn vị tạm ngừng sản xuất.
Theo tính toán của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, kế hoạch xử lý hàng của cảng Cát Lái duy trì đến ngày 15/8 nếu không có giải pháp tháo gỡ. Kế hoạch này sẽ được doanh nghiệp cập nhật và điều chỉnh hàng ngày để giảm thiểu nguy cơ ngừng hoạt động của cảng.