Ngày 23/5, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) - xin lỗi công luận về những sai sót trong khâu quản lý, liên quan đến việc 300 ca khúc cách mạng, trong đó có Tiến quân ca, được cập nhật vào danh mục trên website của Cục gây hiểu nhầm các tác phẩm này bỗng dưng "được" cấp phép phổ biến.
Theo lời ông Chương, Cục sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác".
* Ông Nguyễn Đăng Chương xin lỗi công luận
Theo nghị định hiện hành, quyền hạn của Cục là cấp phép cho: “Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm”.
Có trong tay quyền cấp phép, Cục NTBD đã nhiều lần đưa ra những quyết định khó hiểu, gây bức xúc cho dư luận. Hồi tháng 3, Cục đột ngột yêu cầu dừng lưu hành năm ca khúc trước 1975 vì lý do mập mờ, để rồi sau đó phải cho lưu hành lại. Tiếp đó, Nối vòng tay lớn, bài hát đã sống trong lòng công chúng hơn 50 năm, một ngày bỗng được tin chưa được phép "tồn tại", cần xin phép. Hay nhiều ca khúc đã được trình diễn ở nhiều chương trình nhưng đều thuộc diện chưa được lưu hành khiến dư luận ngã ngửa.
Cách quản lý thiếu rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu lạm quyền của Cục còn khiến nhiều người tin rằng họ quản lý tất cả ca khúc, bất kể trước hay sau 1975, của tác giả miền Nam hay miền Bắc. Sự việc 300 ca khúc nhạc cách mạng, bao gồm Tiến quân ca, được Cục đưa vào danh sách phổ biến lưu hành mà không một lời giải thích là ví dụ điển hình. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Cục được quyền quản lý, cấp phép những ca khúc này? Cục giải thích đó là hiểu lầm giữa cập nhật danh sách phổ biến và cấp phép. Tuy nhiên, sự việc cho thấy cách hành xử không rõ ràng và tâm lý muốn "quản tất cả" của cơ quan này.
Cơ chế cấp phép ca khúc của Cục cũng khiến các đơn vị tổ chức biểu diễn gặp không ít khó khăn. Đạo diễn Trần Vi Mỹ kể khi thực hiện liveshow Trường Giang tại Tam Kỳ (Quảng Nam) năm 2016, anh chọn bài Ai biểu anh làm thinh của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vào chương trình. Nhưng đi xin phép, anh mới biết bài này chưa nằm trong danh sách phổ biến.
* Bài hát "Con đường xưa em đi" từng gây bức xúc về vấn đề cấp phép
"Ông bầu" Hoàng Tuấn chia sẻ anh thường gặp khó khăn khi xin phép các ca khúc Bolero (trước 1975). Ví dụ bài Con đường xưa em đi, ca khúc này được nhiều ca sĩ thu âm, ra đĩa nhưng trong nhiều chương trình anh bắt buộc phải cắt bỏ vì Hội đồng phúc khảo địa phương nói bài này chưa được cấp phép. Hay ca sĩ Đông Đào thu âm xong các ca khúc xuân quen thuộc như Mùa xuân tái ngộ, Hạnh phúc đầu xuân cho album Tết nhưng khi xin phép phát hành đĩa thì bên Sở bảo hai ca khúc này chưa được cấp phép.
Muốn được biểu diễn hoặc phát hành, đơn vị tổ chức chương trình lại phải nộp hồ sơ lên Cục xin được cấp phép cho ca khúc đó và chờ đợi.
Biên tập viên, nhà tổ chức sự kiện âm nhạc Quang Thành cho biết việc có nhiều tầng quản lý ca khúc còn dẫn tới sự không thống nhất giữa Cục NTBD và các Sở Văn hóa địa phương. Quang Thành lấy ví dụ ngày 2/4/2016, trong đêm nhạc Trịnh tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Hà Nội cho phép anh trình diễn ca khúc Ca dao mẹ. Tuy nhiên, hai ngày sau đó, trong đêm nhạc Trịnh tại Đại học Văn hóa Hà Nội, anh không được hát bài này vì Cục cho rằng ca khúc chưa nằm trong danh mục được cấp phép. "Đến khi chúng tôi tổ chức đêm nhạc tại Huế ngày 16/12/2016, Cục đã xét duyệt các tiết mục và cấp phép cho chương trình, tuy nhiên, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lại không đồng ý", Quang Thành kể.
Trước sự lúng túng của Cục, nhiều gợi ý về giải pháp đã được đưa ra.
"Ông bầu" Hoàng Tuấn chia sẻ theo anh bất cập là cách quản lý bất nhất, lỏng lẻo. "Giảm cơ chế xin - cho thì cũng chỉ giải quyết được việc xin phép ca khúc thu âm phát hành băng đĩa hay biểu diễn, chứ không giải quyết được vấn đề chính. Nếu được tôi chỉ mong Cục không cần đưa ra danh sách ca khúc nào được cấp phép mà là ca khúc nào cấm biểu diễn, ghi âm. Cứ dựa vào đó mà chúng tôi loại bỏ khỏi danh sách lựa chọn. Làm như vậy vừa đơn giản mà vừa dễ cho các đơn vị tổ chức show và nghệ sĩ", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng việc rà soát gia tài hàng chục nghìn bài hát để cho ra đời danh sách này khá khó khăn. Theo ông, Cục NTBD nên bám sát đời sống âm nhạc của nước nhà, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm định, rà soát kỹ các chương trình, hoạt động âm nhạc thuộc quyền quản lý của mình. "Nếu thấy các ca khúc được sử dụng trong chương trình có nội dung chống phá Nhà nước, vi phạm thuần phong mỹ tục, Cục có thể xem xét cấm tác phẩm", nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng các cơ quan Nhà nước cần thận trọng, nghiêm túc khi tiến hành "khai tử" một bài hát. Việc này nên được thực hiện bởi một hội đồng có trách nhiệm, chuyên môn. Hội đồng này cũng cần đưa ra lời giải thích "hợp tình hợp lý" đến tác giả và công chúng.
Sau tất cả, ông Chương, trong câu trả lời với báo chí hôm 23/5, khẳng định sẽ "rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trong việc cấp phép biểu diễn ca khúc, trình lên Bộ để Bộ báo cáo các cơ quan chức năng nhằm thay đổi những quy định này, phù hợp với tình hình đời sống và đất nước hiện tại". Như vậy, sau nhiều lần cho rằng làm đúng quy định, chính Cục đã phải thừa nhận cách làm của họ không còn phù hợp.
Ông Chương cũng cho rằng họ sẽ làm mọi cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính, không còn mang nặng cơ chế xin - cho. Còn ông Bình - Chánh Văn phòng Bộ - khẳng định qua báo chí rằng sẽ bỏ hẳn cơ chế xin - cho.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, sắp tới, khi Cục không còn cấp phép phổ biến ca khúc nữa, với mỗi chương trình biểu diễn, ca khúc sẽ hoàn toàn do các Sở VHTT thực hiện thẩm định. "Ví dụ, nếu đơn vị tổ chức tại TP HCM, do Sở Văn hóa TP HCM cấp phép thì cơ quan này sẽ thẩm định. Cục NTBD chỉ thẩm định đối với 12 Nhà hát trực thuộc của Bộ Văn hóa", ông Chương nói.
Trương Thu Dung