![]() |
Hoàng thân Takamado và vợ là công nương Hisako thắp hương tại Nghĩa trang Quốc gia ở Seoul (29/5). |
Khi đặt chân tới Hàn Quốc hôm qua, hoàng thân Takamado - em họ của Nhật hoàng Akihito - đã cùng vợ (công nương Hisako) tới thăm Nghĩa trang Quốc gia và đặt vòng hoa tại tượng đài Liệt sĩ Vô danh. Ông sẽ gặp Tổng thống Kim Tê Chung rồi dự trận khai mạc World Cup giữa Pháp và Senegal. Takamado còn xem thêm trận Uruguay – Đan Mạch hôm thứ bảy rồi mới về nước vào thứ hai tuần sau.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á cho đến nay vẫn gặp những lúc trái nắng trở trời. Bóng ma cuộc chiến xâm lược bán đảo Triều Tiên của quân đội Nhật (nhân danh Nhật hoàng) những năm 1910 - 1945 vẫn còn ám ảnh người dân Hàn Quốc.
Vì thế, Chính phủ Nhật có lúc đã tỏ ra ngần ngại trước quyết định sang dự World Cup của hoàng thân Takamado - Chủ tịch danh dự của Liên đoàn bóng đá Nhật - vì lo ngại cho an toàn của ông. Theo những nguồn tin khác, thì bản thân các quan chức trong Cơ quan phụ trách các vấn đề về Hoàng gia cũng lo lắng, vì sợ chuyện này có thể ảnh hưởng tới các cuộc thảo luận về chuyến thăm chính thức của Nhật hoàng tới Hàn Quốc.
![]() |
Áp phích World Cup. |
Khi FIFA trao quyền đồng đăng cai cup bóng đá thế giới cho cả 2 nước, Seoul và Tokyo xoay ra tranh cãi xem trận khai mạc và chung kết sẽ diễn ra ở nước nào, rồi thì tên nước nào sẽ được nhắc đến trước trong tên sự kiện World Cup: Hàn Quốc - Nhật hay Nhật - Hàn Quốc?
Giả thử Tokyo biết trước là họ sẽ phải đăng cai World Cup chung với Seoul thì có lẽ họ đã không nghĩ đến chuyện đệ đơn xin. “Vị đại diện của Nhật gần như chết lịm, ông ấy không ngờ nổi”, Peter Velappan, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá châu Á, người nảy ra ý tưởng đồng đăng cai, kể lại.
Nhật có lý do để lo sợ. Trong mắt họ, Hàn Quốc là một anh láng giềng hay hờn giận, đôi lúc hung hăng, và chưa từng tha thứ cho họ về cuộc chiến tranh xâm lược những năm đầu thế kỷ. “Hai nước cãi cọ suốt 2 năm đầu tiên”, ông Veleppan kể lại. “Thôi thì đủ chuyện. Lòng tự hào dân tộc của họ lấn át tất thảy”. Quan hệ chính trị cũng trải qua những lúc sóng gió: tranh cãi xung quanh sách giáo khoa lịch sử Nhật rồi những chuyến thăm của Thủ tướng Junichirio Koizumi tới thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni (nơi tôn vinh cả những tội phạm Thế chiến II).
Tuy nhiên, chính quả bóng tròn đã trở thành chất kết dính giúp hàn gắn những rạn nứt giữa 2 nước. Hai cựu thù quyết tâm biến World Cup đầu tiên ở châu Á thành World Cup thành công nhất từ trước đến nay.
Chẳng hạn Nhật đột nhiên nhiệt thành xin lỗi về những sai lầm thời chiến, nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với các du khách Hàn Quốc. “Tôi cho rằng việc tổ chức sự kiện này giúp cả 2 nước cùng kiềm chế hơn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim Euy-Taek bình luận. Các quan chức tại Đại sứ quán Nhật ở Seoul cũng có nhận xét tương tự: “Hình ảnh về Nhật ở Hàn Quốc, vốn hay bị bóp mép và xuyên tạc, đã thay đổi khi hai dân tộc có thêm những mối giao lưu. Rất nhiều người ở nước này đang tới nước kia và tôi tin rằng điều này giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Người dân Nhật cũng nhìn Hàn Quốc bằng một con mắt khác. Xưa kia, đối với họ, nơi đây là một xứ sở nghèo nàn lạc hậu. Một số người Nhật cảm thấy áy náy về thời kỳ thuộc địa, nhưng cũng ngán ngẩm khi suốt ngày nước Nhật bị bắt phải xin lỗi. World Cup đã làm dấy lên một niềm cảm hứng. Người Nhật đổ đi học tiếng Hàn, thức ăn Triều Tiên bày la liệt tại các siêu thị Nhật, nhạc và phim Hàn Quốc trở thành mốt. Người ta chợt ngạc nhiên về một hình ảnh Hàn Quốc mới. Dân Nhật, bất mãn trước sự tê liệt về kinh tế và chính trị ở chính nước mình, tìm thấy được một nhịp sống mới trẻ trung và sôi động.
Minh Châu (theo AP, BBC, Japan Times)