Lớn lên, tôi ra Hà Nội học và ở lại lập nghiệp. Ba mẹ tôi cũng nghỉ hưu, về quê sinh sống. Cơ quan cũ chuyển đổi mô hình hoạt động theo chủ trương tinh giản bộ máy, giảm bớt đầu mối, nên cán bộ, nhân viên dồn hết về tỉnh. Chỉ còn tòa nhà ba tầng nằm lại trên diện tích hơn hai nghìn mét vuông.
30 năm sau, trong một chuyến công tác, tôi quay lại nơi mình từng sinh sống trước đây. Trong buổi làm việc, tôi hỏi vị lãnh đạo đầu ngành của tỉnh về tòa nhà cũ.
Ông cho biết, vì tiếc khối tài sản lớn bị bỏ không ngay giữa ngã tư sầm uất, lãnh đạo ngành đưa vào khai thác nhằm gây quỹ cho hoạt động công đoàn. Một phần tòa nhà được cho thuê làm nhà hàng, khách sạn; phần còn lại cho mượn làm trụ sở giao dịch của các công ty địa phương. Công đoàn có thêm đồng ra đồng vào để cải thiện đời sống cho anh em.
Nhưng cấp trên chủ quản sau đó yêu cầu không sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích thương mại. Thế là dẹp hết.
Chính quyền địa phương thấy mảnh đất bỏ trống và tòa nhà không sử dụng nên đôi ba lần tỏ ý muốn thu hồi. Một vài ngành trên địa bàn như y tế, giáo dục cũng có ý định xin để xây trường và trụ sở làm việc cho khang trang, sạch đẹp hơn. Các công ty thấy địa điểm đẹp, thuận tiện giao thương, cũng đề xuất chính quyền thu hồi để giao lại cho họ xây dựng trung tâm thương mại.
Trước tình thế này, lãnh đạo ngành ở cấp tỉnh đành gửi báo cáo xin ý kiến lãnh đạo ngành cấp trung ương và được biết chủ trương chung của ngành là chưa bàn giao cho địa phương, chờ phương án xử lý tiếp. Nhưng rồi vị lãnh đạo nói trên phải chờ rất lâu, đến nay đã gần hết thời gian công tác rồi, vẫn chưa thấy phương án. Chỉ biết "đây là đất vàng, phải giữ lấy", nên các ông đành dựng lên tấm biển "Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành". Thế là chính quyền địa phương và các ban ngành hết xin, hết đòi, khỏi nhòm ngó.
Tình trạng bỏ hoang trụ sở, lãng phí đất công tồn tại ở hầu hết địa phương trên cả nước. Nhiều bộ, ngành được đầu tư đất, kinh phí xây trụ sở mới, đã chuyển đến trụ sở mới nhưng vẫn không trả lại trụ sở cũ. Hầu hết các trụ sở cũ này lại nằm trên những vị trí "đất vàng".
Báo cáo giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tháng 10/2022 cho biết, rất nhiều dự án vi phạm kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý. Theo thống kê chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh thành, tính đến cuối năm 2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án.
Trong khi đó, hệ thống trường công tại các địa phương (đặc biệt là những thành phố lớn) thiếu quỹ đất để mở rộng. Ngay tại Hà Nội, trẻ phải bốc thăm để được vào trường mẫu giáo công; học sinh từ lớp 9 đã phải trải qua cuộc cạnh tranh khốc liệt vì hệ thống giáo dục công lập không cung cấp đủ nhu cầu. Bệnh viện công ở khắp nơi chật chội, dẫn đến ba, bốn bệnh nhân nằm chung một giường...
Tình trạng được giao đất nhưng không có nhu cầu sử dụng mà vẫn chiếm giữ lâu dài còn gián tiếp dẫn đến tình trạng nhiều khu đất trở thành nơi trú ẩn cho tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc. Những công trình bỏ hoang này cũng khiến cảnh quan môi trường bị ô nhiễm, xập xệ, làm nhếch nhác bộ mặt đô thị.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nghịch lý khó chấp nhận nhưng vẫn tồn tại hàng chục năm trời này. Trong đó quan trọng nhất, theo tôi, là chủ trương di dời thường không đi kèm với các quy định, tiêu chí cũng như phương án cụ thể nhằm xử lý "đất vàng" hậu di dời. Đây là sự buông lỏng quản lý khiến nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm trong sử dụng đất công; thậm chí cố tình thực hiện trái pháp luật để tư lợi.
Nhìn rộng ra, quy trình thanh tra, giám sát đất đai từ cấp trung ương đến địa phương cần siết chặt hơn để đảm bảo các cá nhân, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai, lãng phí tài sản công trên địa bàn.
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới cho phép sở hữu tư nhân về đất đai, Việt Nam có đặc thù nhất định. Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất khi có nhu cầu và mục tiêu chính đáng.
Đất đai là một nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Bộ máy nhà nước được trao trách nhiệm rất lớn trong việc quản lý đất đai hiệu quả, nhằm tăng thu ngân sách, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Chừng nào sự giám sát còn bị buông lỏng, chừng đó những khối tài sản như tòa nhà ba tầng gắn liền với tuổi thơ của tôi còn bị bỏ không. Thực trạng này không chỉ lấy mất cơ hội phát triển của địa phương, lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia mà còn làm suy yếu niềm tin của người dân vào năng lực của bộ máy công quyền.
Trần Phú Dũng