Sau 4 năm đính hôn, Công chúa Mako, cháu gái Nhật hoàng Naruhito đã xuất giá theo chồng Kei Komuro, một thường dân. Luật Hoàng gia Nhật Bản yêu cầu công chúa 30 tuổi từ bỏ vị thế thành viên hoàng thất sau khi kết hôn, khiến số lượng thành viên của hoàng gia Nhật Bản còn 12 nữ nhân và 5 nam nhân, bao gồm cả Nhật hoàng và Hoàng hậu.
Với những lùm xùm thời gian qua về gia cảnh hôn phu, Mako còn từ bỏ tiền hồi môn 1,3 triệu USD theo truyền thống. Đây là lần đầu tiên một nữ thành viên hoàng gia Nhật Bản không nhận hồi môn từ sau Thế chiến II.
"Sự kiện này khác xa những gì chúng ta thường thấy ở các nữ thành viên hoàng thất", Shihoko Goto, Phó giám đốc Địa kinh tế học và chuyên gia châu Á tại Trung tâm Wilson, cơ sở tư vấn chính sách ở thủ đô Mỹ, nhận định. "Cô ấy chấp nhận hy sinh tài chính và từ bỏ sự thoải mái, an toàn, đặc quyền để theo đuổi con đường riêng".
Sau Thế chiến II, hoàng thất Nhật Bản còn 67 thành viên. Đến ngày 26/10, đại gia đình giảm còn 17 thành viên, gồm ba người có thể kế vị Nhật hoàng Naruhito: hoàng đệ Fumihito 55 tuổi, người cháu Hisahito 15 tuổi (em trai của của Công chúa Mako) và hoàng thúc Masahito 85 tuổi.
Ngoài Nhật Bản, còn một vài hoàng gia trên thế giới chỉ chấp nhận truyền ngôi cho nam thành viên như Arab Saudi, Oman hay Morocco.
Dù số thành viên giảm dần, hoàng gia Nhật Bản trong năm 2021 vẫn dùng khoảng 219 triệu USD ngân sách. Tiền được chi cho thực phẩm, giáo dục, chi phí cá nhân của thành viên hoàng thất và lương cho đội ngũ giúp việc 1.080 người gồm lái xe, thợ làm vườn đến viên chức chép sử.
Trong khi đó, hoàng gia Anh tiêu tốn khoảng 69 triệu USD năm 2019 - 2020, cộng thêm dự án tân trang cung điện Buckingham trị giá hơn 41 triệu USD.
Đám cưới công chúa Mako nhắc lại thực tế đáng lo về lượng thành viên và người kế vị hoàng gia Nhật Bản. Giới chuyên gia, quan chức và công chúng đã nhiều lần vận động cải tiến luật lệ để truyền ngôi cho nữ thành viên, nhằm duy trì, củng cố triều đại lâu đời và có dòng dõi liên tục nhất thế giới.
Thay đổi còn có thể giúp hoàng gia Nhật Bản hòa nhập hơn vào dòng chảy tư tưởng bình đẳng giới hiện đại.
Khảo sát do Kyodo thực hiện vào tháng 3 và tháng 4 cho thấy đề xuất được người dân ủng hộ mạnh mẽ. Khoảng 85% người trả lời khảo sát ủng hộ Nhật Bản có nữ hoàng. Khoảng 79% ủng hộ nữ hoàng truyền ngôi cho con.
Tuy nhiên, quyền quyết định không nằm ở hoàng gia Nhật Bản. Vai trò của hoàng gia và quy tắc truyền ngôi phải tuân theo luật pháp Nhật Bản. Trong khoảng hai thập kỷ qua, một số chính trị gia tìm hướng thay đổi quy định nhưng đều thất bại.
Năm 2006, dự luật cho phép Nhật hoàng truyền ngôi cho thành viên nữ bị gác lại sau khi Hoàng tử Hishahito chào đời. Hishahito là bé trai đầu tiên của hoàng tộc Nhật sau gần 40 năm.
6 năm sau, Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng cân nhắc cho các công chúa Nhật Bản tự lập nhánh gia phả và giữ vị trí trong hoàng thất sau khi thành hôn. Nỗ lực này thất bại khi ghế lãnh đạo đảng cầm quyền đổi chủ.
Năm 2020, Thủ tướng Yoshihide Suga mở hội đồng chuyên gia xét lại đề xuất. Ý tưởng một lần nữa "chết yểu" khi ông không tái tranh cử năm nay. Đương kim Thủ tướng Fumio Kishida không mặn mà với viễn cảnh Nhật Bản có nữ hoàng.
Tuy nhiên, đám cưới của công chúa Mako vẫn mang lại tác động tích cực cho Nhật Bản. Giới nghiên cứu kinh tế những năm qua nhận thấy đám cưới hoàng gia tại Nhật Bản có mối liên hệ nhất định với hiện tượng số đám cưới và trẻ chào đời tăng trên cả nước.
Sau lễ thành hôn năm 1990 của Hoàng tử Fumihito, số đơn đăng ký kết hôn tại Nhật Bản tăng 3,7% so với 5 năm trước. Trong năm trước sự kiện, số đơn đăng ký giảm 0.4% với cùng phương pháp so sánh. Xu hướng này đạt đỉnh vào năm 1993 với mức tăng 9,8% khi ông Naruhito, khi đó là Thái tử, yên bề gia thất. Số trẻ chào đời tại Nhật Bản có cùng xu hướng tăng.
Tuy nhiên, Shihoko Goto nhận định đám cưới hoàng gia ở Nhật Bản hiếm khi thu hút quan tâm quốc tế và đám cưới được tối giản của Công chúa Mako không phải là cơ hội phát huy quyền lực mềm. "Lễ thành hôn của công chúa Mako không tạo tác động lớn về tiêu dùng như những đám cưới cổ tích đình đám ở London", bà nói.
Yuki Masujima, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, chia sẻ nhận định tương tự. Bà vẫn lạc quan về triển vọng tái diễn hiệu ứng tăng kết hôn và sinh con ở Nhật Bản. Cả hai chỉ số đều giảm mạnh trong gần hai năm qua bởi khủng hoảng Covid-19.
Câu chuyện kế vị ngai vàng hay trọng trách lễ nghi và tác động xã hội không còn là nỗi lo đối với Mako từ hôm nay. Chưa có tín hiệu nào cho thấy chính phủ Thủ tướng Kishida sẽ điều chỉnh luật lệ về hoàng gia, ít nhất trong tương lai gần.
Mako sẽ theo chồng sang Mỹ, từ bỏ mọi hỗ trợ tài chính từ hoàng gia và chính phủ Nhật Bản. Kei Komuro đã được nhận vào một hãng luật ở New York, còn Mako sẽ thoát khỏi sự xét nét của truyền thông nhiều năm qua.
Đầu tháng 10, chính phủ Nhật Bản tiết lộ Mako bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn vì những công kích nhắm vào cặp đôi và gia đình họ. "Cô sống với nỗi sợ thường trực rằng cuộc đời mình sắp bị hủy hoại. Điều này khiến công chúa trở nên bi quan và không thể cảm nhận hạnh phúc", thông cáo của Cơ quan Nội chính Hoàng gia có đoạn.
Trung Nhân (Theo Bloomberg)