Nguyễn Hoàng Điệp là người trẻ nhất (39 tuổi) trong 11 thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - công bố giữa tháng 4, có nhiệm kỳ hai năm. Chị nói về vai trò mới.
- Chị làm quen công việc duyệt phim thế nào?
- Trước kia, tôi ao ước có toàn thời gian để xem phim nhưng vào hội đồng, tôi thấy công việc này không như mơ. Trước mỗi tuần, tôi nhận lịch làm việc, dành ra khoảng ba, bốn ngày theo giờ hành chính, xem phim từ sáng đến tối. Những anh, chị đi trước nói vào những kỳ liên hoan, tần suất công việc dày đặc hơn.
Áp lực lớn nhất của tôi không phải ở cường độ làm việc mà về vấn đề thưởng lãm. Tôi không còn giống một khán giả, thích có thể đứng dậy vỗ tay, dở được bỏ về. Tôi buộc phải đặt sự khách quan tuyệt đối khi xem phim, đồng thời soi chiếu mọi thứ ở góc độ luật. Nói chung, đây không phải là công việc dễ thở, rất căng thẳng, khác hoàn toàn tưởng tượng của tôi trước kia. Trong tuần làm việc đầu tiên, tôi chủ yếu xem phim nước ngoài, chưa vận dụng bất kỳ kinh nghiệm, kỹ năng làm phim nào. Tôi đang chờ đợi gặp những trường hợp dễ gây tranh cãi hơn.
- Tiêu chí kiểm duyệt của chị là gì?
- Tôi có bộ hướng dẫn đầy đủ của luật Điện ảnh. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu chỉ đơn thuần áp dụng theo luật, họ sẽ không cần đến đông đảo thành viên thuộc nhiều lĩnh vực như vậy. Với riêng tôi, tôi coi trọng sự sáng tạo, cách kể chuyện của người làm phim. Khi xem phim và có những điều lấn cấn, tôi luôn đặt câu hỏi: "Êkíp đã sáng tạo ra sao và quyết định của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến đường đi của tác phẩm khi nó tới với công chúng". Tôi nghĩ điều đó giúp tôi có cái nhìn "vì phim" hơn. Nếu có tranh cãi, tôi lắng nghe nhưng khi cần thì nhất định sẽ bảo vệ quan điểm của mình.
- Một trong những lý do các phim vướng mắc kiểm duyệt thường được đưa ra là "cảnh nhạy cảm". Chị nghĩ sao?
- Tôi nghĩ quá sa đà vào việc bàn thảo đâu là cảnh "nóng", cảnh nhạy cảm, đâu là khỏa thân, đâu là vi phạm thuần phong mỹ tục sẽ tạo ra những hệ quả không ai mong muốn trong việc sáng tạo. Gần đây, tôi theo dõi nhiều phim Việt và phản ứng của khán giả. Tôi thấy các nhà làm phim vẫn vậy, không quá bạo liệt, thậm chí còn hơi "tự kiểm duyệt trước". Tuy nhiên, khán giả vẫn bình luận rất gay gắt. Chẳng hạn, với phim Kiều, một tác phẩm hội đồng đã kiểm duyệt, gắn mác 18+ và cho ra rạp, tôi đọc được những bình luận như: "Tại sao lại để phim có nhiều cảnh dung tục như thế này được phát hành. Hội đồng duyệt phim ở đâu?". Hoặc "Phim chán thế này mà cũng cho ra rạp à? Phải cấm đi chứ". Khán giả giờ còn "căng" hơn cả hội đồng.
Các quy định về cảnh nhạy cảm đã được ghi trong luật, nhưng có vẻ luật quá ngắn gọn, thiếu chi tiết, tạo điều kiện dung dưỡng những định kiến. Điều này có tác hại xấu đến các nhà làm phim và khán giả. Với một nền điện ảnh lành mạnh, khán giả có thể là người đồng sáng tạo hoặc mang đến cảm hứng sáng tạo, không nên trở thành người đồng kiểm duyệt. Tôi khá hồi hộp khi tưởng tượng ra cảnh mình duyệt phim có nhiều cảnh "nóng", mọi người xung quanh đều bảo cần cắt.
>>> Hội đồng duyệt phim quốc gia nhiệm kỳ 2021 - 2023
- Hội đồng từng gây tranh cãi vì để một số phim tuyên truyền vi phạm chủ quyền như Điệp vụ biển đỏ, Everest: Người Tuyết bé nhỏ "lọt lưới". Chị nghĩ sao?
- Hội đồng duyệt phim quốc gia không phải máy dò bom mìn. Tôi nghĩ việc săm soi từng khung hình để tìm xem đâu là đường lưỡi bò đâu, đâu là ranh giới đúng... nên dành cho trí tuệ nhân tạo. Tôi từng hỏi nhiều kỹ sư công nghệ ở một số viện khoa học, họ nói hoàn toàn có khả năng viết những phần mềm này.
Còn hội đồng kiểm duyệt để làm những thứ mong manh, con người hơn, như suy tính được hậu quả, hệ lụy, lợi ích của những sự sáng tạo. Vì thế, tôi thấy việc hội đồng thường bị "réo tên" mỗi khi để lọt sai sót liên quan đến bản đồ là có sự bất công.
- Từng nín thở chờ các phim của bản thân như Bi, đừng sợ (nhà sản xuất), Đập cánh giữa không trung (đạo diễn) qua cửa ải kiểm duyệt, hiện tại với vai trò mới chị suy nghĩ gì?
- Tôi nghĩ các nhà làm phim cần cơ hội đối thoại với Hội đồng kiểm duyệt. Khi tôi làm Đập cánh giữa không trung và chuẩn bị hồ sơ để gửi tác phẩm dự Liên hoan phim quốc tế Venice, nếu đúng luật, tôi không thể kịp thời gian cấp phép. Cục trưởng lúc ấy là chị Ngô Phương Lan đã rút ngắn thời gian đến mức kỷ lục. Phim có năm điểm cần chỉnh sửa nhưng sau cuộc trò chuyện với hội đồng, suy nghĩ, cách hiểu của tôi được lắng nghe, nhìn nhận. Cuối cùng, tôi không phải cắt dù chỉ vài giây. Với tôi, tác phẩm không phải phim nặng đô. Phim miêu tả tình ái ở giai đoạn hé nở, nên mọi thứ đều ở mức mới chớm.
Với Bi, đừng sợ, lúc ấy, tôi chưa có kinh nghiệm. Tôi không chia sẻ được gì, chúng tôi không có cơ hội đối thoại với hội đồng. Chúng tôi đã chấp nhận cắt sáu phút để phim được ra rạp, đồng thời dự Liên hoan phim Cannes. Tôi tiếc vì mọi thứ lúc ấy được xử lý quá chóng vánh.
- Chị nghĩ thế nào về việc một số phim đoạt giải cao ở liên hoan quốc tế nhưng khó qua được cửa kiểm duyệt ở Việt Nam?
- Liên hoan chính là kiểu xem phim miễn phí mà tôi mơ ước. Khi làm giám khảo hạng mục phim truyện ở Liên hoan phim Fribourgh (Thụy Sĩ), tôi cảm giác đúng như một giấc mơ. Ngược lại, hội đồng duyệt không đánh giá phim theo kiểu mơ mộng như vậy mà phải dựa vào luật, hai cái nhìn khác nhau tất nhiên mang đến kết quả khác nhau.
- Từng muốn bỏ kiểm duyệt, lý do chị nhận lời vào Hội đồng?
- Tôi muốn hiểu tâm thế của những người kiểm duyệt cũng như vai trò thực sự của hội đồng. Khi làm công việc này, tôi nhớ đến một câu tục ngữ của phương Tây: "Bạn phải xỏ chân vào đôi giày của người khác mới có thể đánh giá về họ". Một mặt, chúng ta đòi bỏ kiểm duyệt nhưng khi vấn đề xảy ra, chúng ta lại chì chiết hội đồng. Tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan mâu thuẫn này và đang tìm cách lý giải: việc kiểm duyệt được đặt ra để làm gì, tầm quan trọng của nó, có thể mong chờ điều gì từ sự công tâm của hội đồng? Ngoài ra, tôi muốn nghiêm túc tìm hiểu về điều mọi người hay gọi là "lỗ hổng" trong kiểm duyệt phim, liệu có hay không, nó cần được vá hay thực ra là cơi nới.
- Chị đánh giá thế nào về các thành viên hội đồng khóa mới?
- Ngoài việc tôi trẻ nhất hội đồng thì tôi cũng chưa nhận xét được gì hơn. Một tuần qua, chúng tôi làm việc độc lập, chưa có nhiều trường hợp cần thảo luận. Tôi chủ yếu cần tham khảo ý kiến những người đi trước về vấn đề luật - lĩnh vực tôi tự thấy chưa thạo. Ngoài ra, tôi thấy ngưỡng chịu đựng của mọi người với các phim bạo lực, với nhiều cảnh chém giết, máu me, lớn hơn mình hình dung rất nhiều. Hội đồng cấp tiến hơn tôi tưởng tượng.
- Thù lao chị nhận được từ công việc này thế nào?
- Thấp kỷ lục đấy, tôi không muốn nói chi tiết. Tôi sẽ có hai năm trong hội đồng. Đến giờ tôi mới ý thức công việc này sẽ chiếm nửa thời gian của mình. Bù lại, tôi có thêm kinh nghiệm, hiểu biết, câu trả lời cho nhiều câu hỏi trước đây mình từng thắc mắc liên quan đến chuyện duyệt phim.
Tôi nhớ trong cuộc họp hôm 18/4, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hét lên trước hội đồng: "Mọi người ơi, hãy giương cao lá cờ tử vì đạo". Lúc đó, tôi thấy rất hay, anh Hoàng Nhuận Cầm đã gói gọn công việc này trong ba từ chính xác - "tử vì đạo". Hai ngày sau, anh ra đi.
- Chị có dự định gì với phim ảnh?
- Tôi có một bộ phim vẫn đang bế tắc, chưa quay được. Tôi cũng ấp ủ kế hoạch với di sản phim nhựa. Ngoài ra, tôi thực hiện các dự án liên quan ngôn ngữ, thơ ca, việc này không chiếm quá nhiều thời gian của tôi.
Hà Thu