Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói nhà thơ đột ngột qua đời. Chiều 20/4, ông có lịch làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng gần đến giờ vẫn không xuất hiện, êkíp không liên lạc được ông. Người thân đến nhà khoảng 15h mới phát hiện ông đã mất. Lễ viếng và truy điệu vào 14h30-16h ngày 24/4 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng.
Nhà báo Trần Nhật Minh - người cùng nhà thơ thực hiện chương trình phát thanh Khách đến chơi nhà và Đôi bạn văn chương - cho biết nhà thơ mắc bệnh phổi vài năm nay. Những ngày cuối đời, sức khỏe ông xuống dốc do buồng phổi tổn thương nhưng vẫn gắng gượng đến đài để thu chương trình. Anh Nhật Minh nhớ hình ảnh ông ngồi nép bên bàn, vóc dáng nhỏ thó, nén từng cơn ho để không đứt mạch truyện trong khi thu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói Hoàng Nhuận Cầm là cây bút xuất sắc thời kỳ chống Mỹ. "Thơ Hoàng Nhuận Cầm chính là cảm xúc của những lớp học trò cầm súng ra trận, rất trong trẻo, tươi sáng, đẹp như làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Ông rất nhiệt huyết với thi ca. Mỗi lần nói chuyện, bình thơ, ông như một ngọn lửa bùng cháy", ông Trần Đăng Khoa nói. Ông Khoa nhớ ngoài đời, cố nhà thơ nói chuyện dí dỏm, thường được mời đi giao lưu nhiều chương trình.
Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng với các bài thơ tình gắn với học sinh, sinh viên, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu... Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy. Ông từng đóng phim, nổi tiếng với vai bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ phim Số đỏ.
Dù bận rộn viết kịch bản, làm phim, Hoàng Nhuận Cầm nói ông chưa từng xao lãng việc làm thơ. Ông từng chia sẻ quan niệm sáng tác: "Thơ ca cũng như tình yêu, không ép buộc được đâu, khi gọi nó không đến nhưng khi đuổi thì nó không chịu đi. Bằng kinh nghiệm làm thơ riêng của mình, tôi thấy những bài thơ hay lại ra đời trong hoàn cảnh chẳng thơ chút nào".
Nhà thơ đoạt giải của Báo Văn nghệ năm 1972 - 1973 trong thời gian đi chiến đấu ở Quảng Trị, dành cho chùm thơ trong đó có bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu. Tuy nhiên, sau tập thơ in năm 2008, nhà thơ không ra mắt tuyển tập mới. Ông nói: "Theo thời gian, tôi tự nhận thấy mình trầm tĩnh hơn, sâu sắc và thận trọng hơn khi công bố trước công chúng, dù chỉ là một bài thơ của mình. Nhưng dù trước đây hay sau này, tôi không muốn phụ lòng bạn đọc. Nếu không làm được hay hơn và mới hơn trước thì thà đừng in còn hơn".
Trong lĩnh vực biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm được vinh danh "Biên kịch xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 và Cánh Diều Vàng 2011, cho kịch bản phim Mùi cỏ cháy. Tác phẩm lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và hàng loạt nhật ký thời chiến của các liệt sĩ khác như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao, được ông thai nghén suốt sáu năm. Ông xây dựng bốn nhân vật chính Hoàng - Thành - Thăng - Long, trong đó nhân vật Hoàng yêu thơ, mơ mộng, hay xúc động, mang dáng dấp của chính nhà thơ.
Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Ông từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học đến năm 1981. Ông từng làm việc cho Hãng Phim truyện Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. Ông trải qua ba đời vợ, cuối đời sống kín tiếng.
Hà Thu