Đội tuyển Việt Nam chiến thắng và đoạt cup vàng ASEAN Cup 2024 là niềm vui, là cảm xúc, là vỡ òa, là giải tỏa, là phấn khởi. Đặc biệt là chiến thắng và nâng Cup vàng ngay trên thánh địa sân vận động Rajamangala -Thái Lan với sức chứa hơn 50.000 cổ động viên.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá và có góc nhìn khách quan đến chủ quan, sâu rộng và đầy tinh tế để tránh đi những suy nghĩ, suy diễn hoặc có lời lẽ tâng bốc quá đà, chê bai quá đáng đối với một ai đó, một đội nào đó đã bại trận trước mình.
Với góc nhìn của tôi, tôi xin chia sẻ một vài quan điểm, vì cho đến hôm nay, trên nhiều nền tảng mạng xã hội vẫn râm ran, lan truyền những thông tin ăn mừng hả hê quá, ca ngợi quá hoặc cay nghiệt quá đối với "bại tướng".
Về mặt chơi đẹp, có fair-play hay không? Đây là một điểm mấu chốt và điểm nóng nhất sau trận đấu và giải đấu, đặc biệt là ngay sau pha ghi bàn của Supachok nâng tỷ số lên 2-1 cho Thái Lan.
Ngay khi bàn thắng chưa diễn ra, tôi cũng đã tự hỏi không hiểu vì sao các cầu thủ của ta đều chững lại, không có sự chủ động quyết tâm chiến đấu thậm chí là đứng sai vị trí trong pha bóng đó, và có nhiều cầu thủ giơ tay có vẻ báo hiệu có điều gì đó không đúng đã diễn ra.
Và khi bàn thắng xảy ra, chỉ khi chiếu chậm lại toàn cảnh diễn biến pha bóng trước đó tôi mới nhận ra: À! Đã có một tình huống không fair-play như thông thường các pha bóng sẽ diễn ra là "trả lại bóng" cho đối phương khi đối phương ném bóng ra ngoài biên để đội ngũ bác sĩ vào sân chăm sóc cho đồng đội hoặc đối thủ chấn thương.
Xét về mặt kỹ thuật dứt điểm, đây là bàn thắng đẹp, một cú ra chân vuốt bóng về góc xa khung thành rất đẹp. Nhưng bàn thắng này lại gợi nhớ cho tôi về bài học đạo đức lớp 1, đó là bài đọc về câu chuyện "Đẹp mà không đẹp" nói về câu chuyện Vẽ chú Ngựa đẹp lên bức tường trường học của Hùng hỏi bác Thành - Đó là bức hình đẹp nhưng điều không đẹp là bức tường trắng đã bị bôi bẩn. Cũng như trường hợp này bàn thắng cực đẹp nhưng lại bôi bẩn lên tinh thần thượng võ, tính fair-play trong thể thao nói riêng và cuộc sống nói chung.
- Về ý thức và đạo đức nghề: Có thể thấy, sau khi pha bóng diễn ra, ngay trên sân đã có nhiều tranh cãi, trao đổi và sự giãi bày, giải thích và đưa ra phương án (có thể) từ trọng tài cho cả các cầu thủ và HLV cả hai đội.
Trọng tài người Hàn Quốc có thể đã giải thích luật và tính hợp lệ của pha bóng. Tôi xin nhấn mạnh yếu tố HLV ở đây. Tôi có thể tin, hiểu và thông cảm cho cầu thủ Thái Lan, đặc biệt là Supachok, sau này khi cậu ta có giải thích về bàn thắng: Cậu ta có thể đang quá tập trung vào pha bóng trước đó (trước khi TM Đình Triệu ném bóng ra ngoài), và khi bóng đến chân, có nhiều thứ tác động như quyết tâm ghi bàn thắng, sự náo nhiệt của cổ động viên, yếu tố nhất thời... nên đã sút bóng mà không hề ý thức về tình huống phải fair-play đó.
Tuy nhiên, nếu thật sự khi bị các cầu thủ Việt Nam phản ứng về tính trung thực, tinh thần thượng võ thì cậu ấy và nhiều đồng đội khác cũng phải có trách nhiệm góp ý, nhắc nhở và bàn thảo cùng HLV sửa lỗi- điều đó đã không xảy ra.
Về các hệ lụy khác: Việc xảy ra đã kéo theo nhiều các luồng suy nghĩ trái chiều trên không gian mạng, có nhiều thứ được tung hê, đổ lỗi, chê trách, thậm chí khinh miệt đối với đối thủ.
Thứ ba: hãy nhìn nhận điều tích cực và thái độ đúng đắn đối với cá nhân và tập thể cho cả người thắng và người thua:
-Mọi người có thể trong cao trào cảm xúc, hân hoan, ca ngợi,... nhưng hãy tỉnh táo thấy rằng. Đội ta thắng giải là vì lực lượng mạnh nhất, tập trung cao độ nhất, nên chiến thắng giải là điều nằm trong cơ sở tính toán và khả năng, đừng quá dâng trào cảm xúc mà hả hê xem thường đội Thái và Indonesia...
Xác nhận rằng HLV Kim Sang-sik đã có những điểm sáng dùng người trẻ, nhân tố mới như Doãn Ngọc Tân, Vĩ Hào... và đặt tin tưởng vào sự dẫn dắt lối chơi của Hoàng Đức, tinh thần thái độ của những cầu thủ dự bị khi vào sân quá tốt... đó là điều đáng mừng. Hãy tập trung nhiều hơn nữa trong việc khai phá nhân tố mới và duy trì tinh thần và tính kết nối một lòng hiện tại.
Về lối chơi của mỗi cầu thủ, việc chiến thắng nhưng đừng nên chủ quan ngủ quên. Hãy dũng cảm phân tích, chỉ ra những điểm còn hạn chế, chưa được của từng pha bóng, từng cầu thủ để luôn học tập trau dồi bản thân phát triển.
Hãy đặt mình vào trường hợp của đội Thái Lan và người Thái. Hãy học hỏi ngay tình huống này để lỡ mai sau có bị trong hoàn cảnh tương tự. Người lãnh đạo đội, HLV, cầu thủ phải dũng cảm gạt bỏ thành tích để tôn trọng tinh thần thượng võ và tính fair-play.
Giả sử nếu HLV Thái "chơi đẹp, hành xử đẹp" đã chủ động yêu cầu cầu thủ mình chơi đẹp thì đã không để xảy ra cao trào tranh luận, đó là lý do tôi đề cập và đề cao vai trò trách nhiệm của HLV ở phía trên hơn là cầu thủ. Khi đó, có thua cũng thua trong danh dự ngẩng cao đầu, và có thắng lại thăng trong đầy sự nhân văn, vẻ vang và ngạo nghễ.
Hình ảnh Madam Pang vỗ tay đi chúc mừng cầu thủ và HLV, đặc biệt là bà đi chào hàng triệu CĐV tại sân đang ăn mừng, bà ta vỗ tay chúc mừng, mà ta chắp tay chào khán giả Việt Nam đang hò reo ăn mừng và ngược lại cũng biết bao CĐV trực tiếp tại sân vỗ tay, chấp tay chào bà ấy. Đó là hình ảnh nhân văn mà ít cổ động viên Việt nào để ý.
Trên đây là một vài góc nhìn và đánh giá ở nhiều góc độ về một sự kiện đời sống, xã hội. Hy vọng rằng mọi người sẽ đọc và cùng chia sẻ về những điều đọng lại được và chưa được. Để cùng có những phản ứng, hành động nhân văn hơn là suy nghĩ, suy diễn, diễn giải và có những cử chỉ hành vi vui mừng quá đà, hả hê quá trớn hoặc quá nhiều ác cảm trong cảm xúc đánh giá.
Hung Nguyen