Trong cuộc sống có những nốt thăng cũng có nốt trầm. Nếu như nốt thăng kia luôn có điều kiện để được tỏa sáng thì cơ hội cho những nốt trầm là rất ít. Phải chăng, những nốt trầm trong cuộc sống đó là mảnh đời bất hạnh, luôn khao khát một ngày nào đó sẽ được tỏa sáng. Một trong số đó là hoàn cảnh của em Trần Thị Na, học sinh lớp 2A, trường Tiểu học Quỳnh Thọ, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Tình cờ nghe được hoàn cảnh của Na từ một người quen, tôi đã quyết định tìm về xóm Thọ Tiến (xã Quỳnh Thọ) để tìm hiểu và viết bài. Sau hơn 2 tiếng ngồi xe buýt, tôi xuống xe ở ngã tư gần UBND xã Quỳnh Thọ. Hỏi thăm một số người dân ở xóm Thọ Tiến, tôi đã biết đường tới nhà ông Toan (ông nội Na).
Tôi đã được ông ra tận nơi đón khi vừa vào đến ngõ. Vào trong nhà, tôi thực sự đứng sững người lại khi thấy căn nhà ba gian nhỏ bé, trong nhà không có vật gì có giá trị, chỉ có một cái bàn nhỏ và vài ba cái ghế nhựa, nhưng cũng là của người ta không dùng tới cho ông làm bàn uống nước.
Ông Toàn cho biết bé Na là đứa đáng thương, 5 tuổi đã mất mẹ. Sau đó một năm, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố cháu phải vào Nam làm thuê cho người ta, để lại 3 đứa con nhỏ ở nhà nhờ ông bà già này chăm sóc. Ông bà thì cũng già yếu, lại thêm nhiều bệnh tật nên không làm được nhiều việc. Sinh hoạt hàng tháng của gia đình là nhờ vào đồng lương ít ỏi của bố con bé Na gửi về.
Ông bà Na đã hơn 60 tuổi, nhưng căn bệnh của tuổi già cứ đeo bám họ hàng ngày. Hiểu được hoàn cảnh nên Na rất thương ông bà.
Mất mẹ, mất đi bàn tay chăm sóc đầy yêu thương và nồng ấm, Na dường như phải thay mẹ quán xuyến việc trong nhà và phụ giúp ông bà một số việc vặt. Một cô bé mới chỉ có 7 tuổi - cái tuổi mà đáng nhẽ ra phải vô lo, vô nghĩ thì hoàn cảnh bắt em phải lớn trước tuổi, trưởng thành trước tuổi. Sau Na còn có 2 em trai nữa là Mạnh (4 tuổi) và Hùng (2 tuổi). Mỗi ngày trôi qua với Na là một ngày dài. Do ở gần biển nên một buổi đi học còn một buổi em đi mò cua, bắt ốc để bán kiếm thêm tiền rau, tiền thịt. Tôi rất lo ngại cho em - một cô bé lớp 2 hàng ngày phải đối mặt với sóng thần.
Mặc dù vậy nhưng em vẫn luôn chăm chỉ học tập. Tôi tiến lại bàn học tập của em, những quyển sách giáo khoa đã cũ và có đôi chỗ rách nát, em bảo là được mấy anh chị hàng xóm cho, còn những cuốn vở ghi thì được xã tặng. Lúc đó, tôi cảm thấy có lúc mình thật hoang phí, trong khi những em bé như Na thì quá thiếu thốn. Em thiếu thốn không chỉ về tinh thần mà còn về cả vật chất.
Ngôi nhà nhỏ của Na nằm cách khá xa trường, nhưng ngày nào em cũng đi học đầy đủ, đúng giờ. Em cho biết thích đi học, đến trường, nhưng cũng sợ là một ngày nào đó không còn cơ hội được gặp thầy cô, bạn bè nữa. Em cũng ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo đem cái chữ đến với các em có hoàn cảnh khăn. Tôi mong rằng cái ước mơ ngây thơ của cô bé 7 tuổi ấy sẽ sớm được hiện thực hóa.
Thầy Thụ (giáo viên chủ nhiệm) của Nam cho hay, trong lớp em là một trong những hoàn cảnh đặc biệt. Mất mẹ khi còn quá nhỏ, bố đi làm xa, ông bà thì già yếu nhưng không vì thế mà em bỏ cuộc. Na vẫn đi học đầy đủ và chấp hành những nội quy của nhà trường một cách nghiêm túc. 2 năm nay, em đều tự tay viết những lá đơn miễn giảm học phí gửi lên ban giám hiệu nhà trường. Mong rằng em có đủ niềm tin và nghị lực để tiếp tục con đường học tập.
Con đường nhỏ ngoằn nghèo dẫn lối vào nhà em gập ghềnh, khó đi nhưng những mảnh đời nơi đây còn đáng thương và tội nghiệp biết mấy. Tôi hy vọng em sẽ tiếp tục con đường học tập của mình và cố gắng biến ước mơ ấy thành hiện thực.
Phạm Thu Hiền