TS.BS Huỳnh Văn Dương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết như trên tại hội nghị khoa học và triển lãm răng hàm mặt quốc tế TP HCM, chiều 12/11.
Theo ông Dương, 13 bệnh nhân hoại tử xương hàm đến khám tại bệnh viện, tiền sử đều từng mắc Covid có triệu chứng phải dùng thuốc điều trị, đặc biệt là trong khoảng thời gian biến chủng Delta chiếm ưu thế. 10 người trong số này bị hoại tử xương hàm trên, khác với trước đây chủ yếu là ở hàm dưới. Thông thường, xương hàm dưới có cấu trúc đặc hơn, ít mạch máu nuôi, đồng thời có khả năng đáp ứng với tình trạng viêm nhiễm kém hơn. Ngoài ra, 9 bệnh nhân mắc bệnh nền tiểu đường, chiếm tỷ lệ 70%.
Các báo cáo y văn thế giới về bệnh lý này ở bệnh nhân hậu Covid cũng cho thấy chủ yếu xuất hiện ở xương hàm trên và gặp ở người lớn tuổi. Ông Dương cho rằng cơ chế nCoV có sức hấp dẫn đặc biệt với thụ thể ACE2 (thụ thể tồn tại khắp nơi trong cơ thể) vốn hiện diện rất nhiều ở đường hô hấp, và vị trí kế cận xương hàm trên, có thể là giả thuyết gây tắc mạch và hoại tử xương hàm trên.
Theo bác sĩ Dương, hội chứng hậu Covid có thể xảy ra với bất cứ cơ nào trong cơ thể, trong đó vùng miệng, hàm mặt là những vị trí biểu hiện bệnh khá phức tạp và khó can thiệp một cách triệt để. Bệnh viện Chợ Rẫy từng ghi nhận một số bệnh nhân tiến triển hoại tử xương hàm lan rộng, mức độ trầm trọng, có thể lan đến sàn sọ và tử vong.

Phim chụp bệnh nhân bị hoại tử xương sọ. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Hoại tử xương hàm ở bệnh nhân hậu Covid là bệnh lý hiếm gặp, thường khởi phát sau nhiễm nCoV trong một thời gian ngắn. Đối với bệnh nhân hoại tử xương hàm sau Covid, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng nhìn chung giống như các bệnh nhân hoại tử xương hàm bình thường. Tuy nhiên diễn tiến của bệnh xảy ra khá nhanh. Nếu không được can thiệp sớm, hoại tử có thể sẽ lan đến các cấu trúc bên trong sâu hơn như các xương ổ mắt, xương thái dương, sàn sọ, gây ảnh hưởng tính mạng.
Với những bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, triệu chứng chủ yếu là đau nhiều và sưng. Triệu chứng đau có thể xuất hiện ngay lúc nhiễm Covid hay sau nhiễm một thời gian, đau sâu bên trong xương, có tính dai dẳng, kéo dài, làm cho bệnh nhân mất ngủ, suy kiệt.
Bệnh nhân thường bị lung lay răng, chảy mủ vùng quanh răng, rò ra da hay niêm mạc, không đáp ứng với những can thiệp điều trị bảo tồn như làm sạch nha chu, điều trị nội khoa. Khi bệnh nhân được nhổ răng hư hay răng mất chức năng, quá trình lành xương ổ rất chậm. Sau quá trình viêm tại chỗ, mô viêm, hoại tử lan vào khi vực bên trong, gây lộ xương ổ răng, lộ xương khẩu cái, lan đến các cấu trúc xung quanh như mắt, xương gò má, xương sọ. Quá trình hủy hoại xương diễn ra liên tục, tiến triển nhanh.
"Tất cả triệu chứng trên không đáp ứng với can thiệp của thầy thuốc 6-8 tuần. Do đó, bệnh nhân sau Covid nếu có bất cứ tình trạng bất thường nào ở vùng răng miệng nên được khám và chụp phim chẩn đoán sớm, nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời", bác sĩ Dương nói.
Theo các báo cáo trên y văn, bệnh nhân có thể bị nhiễm nấm với tính chất lan sâu bên trong. Thực tế, trong nhóm bệnh nhân quan sát tại TP HCM, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm nấm trên giải phẫu bệnh. Do đó, nhiễm nấm là một trong những yếu tố có thể gặp và thường xuất hiện như là một nhiễm trùng cơ hội trong nhóm bệnh nhân sau Covid. Nhiều loại vi khuẩn được tìm thấy ở bệnh nhân hoại tử xương hàm sau Covid, song hầu như các vi khuẩn này đều nhạy với hầu hết các loại kháng sinh thông thường.
Điều trị bao gồm nội khoa gồm kháng sinh, kháng nấm (nếu bệnh nhân có nhiễm nấm), oxy cao áp hỗ trợ trước và sau phẫu thuật, phẫu thuật nạo sạch, loại bỏ những mô viêm, hoại tử không hồi phục. Với nhóm bệnh nhân này, cần được tiếp tục theo dõi và điều trị liên tục trong thời gian dài.
Tiên lượng của bệnh tùy thuộc vào mức độ của hoại tử xương cũng như các cấu trúc xung quanh. Nếu bệnh nhân chỉ hoại tử xương hàm, chỉ cần lấy bỏ xương hoại tử và phục hồi phần khuyết hỏng sau đó. Khi bệnh nhân có hiện tượng hoại tử lan rộng đến các cấu trúc bên sâu hơn như xương bướm, xương thái dương, nền sọ, tiếp cận nhu mô não thì có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp một cách hợp lý.
Y văn đưa ra 4 yếu tố nguy cơ gây hoại tử xương hàm trên. Thứ nhất, nCoV ức chế thụ thể ACE2 và làm tăng hiện tượng viêm, cùng với việc tăng cytokines và rối loạn miễn dịch, tăng tạo các cục máu đông ở các vi mạch máu, là yếu tố chính gây tắc mạch, đặc biệt những mạch máu nhỏ. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc corticoid (kháng viêm) trong điều trị Covid-19 cũng có thể làm việc nuôi dưỡng của xương kém đi. Yếu tố nguy cơ khác là bệnh nhân bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm trong lúc mắc Covid, gây tăng hoại tử xương hàm hậu Covid. Cuối cùng, bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch sẽ dễ hoại tử xương do bệnh làm giảm nuôi dưỡng của mạch máu, giảm sức đề kháng...
Hồi giữa tháng 7, hơn 20 ca bệnh hoại tử xương sọ - mặt xuất hiện tại một số bệnh viện tại TP HCM như Răng Hàm Mặt Trung ương, Tai Mũi Họng, Chợ Rẫy. Điểm chung ở họ là từng mắc Covid-19, song không rõ bệnh có liên quan Covid-19 hay không. Trong đó, một số người đã tử vong. Một số trường hợp trong số này nhiễm nấm Candida, Aspergilus. Đại diện các bệnh viện nhận định số ca bệnh tăng bất thường, tăng số lượng người bị hoại tử xương hàm trên, xương sọ, vùng hàm mặt.
Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận ba trường hợp hoại tử xương hàm mặt do nhiễm nấm đen Mucormycosis, trong đó hai người tử vong.
Bộ Y tế sau đó đã họp hội đồng chuyên môn để đánh giá các ca bệnh, xác định bệnh hoại tử xương sọ - mặt không phải bệnh lạ, khuyến cáo người dân không hoang mang. Hội đồng chưa kết luận Covid-19 có liên quan bệnh hoại tử xương sọ mặt hay không.
Lê Phương