Tổng thống Donald Trump nhậm chức ngày 20/1, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên nắm giữ hai nhiệm kỳ không liên tục trong hơn 100 năm qua. Đây cũng là số nhiệm kỳ tối đa của một tổng thống theo quy định trong Hiến pháp Mỹ, nhưng ông Trump vẫn nhiều lần ám chỉ về khả năng đảm nhận nhiệm kỳ ba.
"Tôi có nên tranh cử lần nữa không? Các bạn nói xem", ông Trump hỏi đám đông tại Nhà Trắng hồi tháng 2, đề cập đến tương lai sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2029. Ông chủ Nhà Trắng hôm 30/3 có câu trả lời được coi là trực diện nhất về vấn đề này, khi trả lời phỏng vấn NBC News qua điện thoại.
"Tôi nghe nói ngài đã đùa về nhiệm kỳ ba một vài lần", phóng viên Kristen Welker đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn.
"Không, không, tôi không đùa", ông Trump phản hồi. "Và có những cách nhất định để làm việc này".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đồi Capitol ngày 4/3. Ảnh: AP
Hầu hết giới phân tích pháp lý cho rằng việc ông Trump tranh cử nhiệm kỳ ba là bất khả thi, bởi Khoản 1, Tu chính án thứ 22 trong Hiến pháp Mỹ quy định "không người nào được giữ vị trí tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ".
"Người đã giữ vị trí tổng thống hoặc quyền tổng thống hơn hai năm trong nhiệm kỳ của người khác không được bầu thêm quá một nhiệm kỳ", Tu chính án thứ 22 viết. Tu chính án được quốc hội Mỹ thông qua năm 1947 và có hiệu lực từ năm 1951, sau khi hội đủ sự ủng hộ cần thiết từ nghị viện các bang.
Điều này đồng nghĩa ông Trump cần thúc đẩy quốc hội, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, sửa đổi Hiến pháp Mỹ để có thể tranh cử nhiệm kỳ ba. Đây là nỗ lực mà nghị sĩ Cộng hòa Andy Ogles đang thực hiện. Ông Ogles đã trình dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp lên Hạ viện hôm 23/1.
"Không ai được giữ vị trí Tổng thống nhiều hơn ba nhiệm kỳ, hoặc thêm một nhiệm kỳ sau khi đã đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp. Người đã giữ vị trí tổng thống hoặc quyền tổng thống hơn hai năm trong nhiệm kỳ của người khác không được giữ vị trí tổng thống thêm quá hai nhiệm kỳ", theo dự thảo sửa đổi. Hiện chưa rõ đề xuất của Ogles sẽ nhận được sự ủng hộ đến mức nào.
Việc sửa đổi Hiến pháp Mỹ là điều cực kỳ khó, theo giới chuyên gia. Tu chính án mới sẽ cần ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ tại cả Hạ viện và Thượng viện. Sau khi lưỡng viện quốc hội chấp thuận, điều khoản thay đổi cũng cần được nghị viện của ít nhất 38 bang thông qua để có hiệu lực.
"Điều này gần như bất khả thi vì đảng Cộng hòa không giữ đủ 2/3 số ghế ở lưỡng viện quốc hội. Và dù Tu chính án sửa đổi vượt qua được ải quốc hội, nghị viện các bang do đảng Dân chủ kiểm soát cũng sẽ không ủng hộ điều này", Forbes bình luận.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng cách diễn giải của Tu chính án thứ 22 còn có lỗ hổng, bởi nó không cấm một cựu tổng thống từng nắm quyền hai nhiệm kỳ tiếp tục giữ vị trí phó tổng thống trong chính quyền kế nhiệm. Phó tổng thống có thể lên nắm quyền trong trường hợp tổng thống đương nhiệm từ chức. Đây cũng là phương án đang thu hút sự chú ý của phe ủng hộ ông Trump.
"Tôi xin đưa ra kịch bản Phó tổng thống JD Vance tranh cử và chiến thắng, sau đó, ông ấy trao lại quyền lực cho ngài", bà Welker nêu.
Ông Trump thừa nhận đây "là một cách", nhưng nhiều khả năng nó sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của đảng Dân chủ. Trong trường hợp đó, phe Dân chủ có thể khởi kiện ra Tòa án Tối cao, lập luận rằng động thái này vi phạm tinh thần Tu chính án thứ 22.
Giới học giả pháp lý lưu ý Tòa án Tối cao thường ra phán quyết dựa trên từ ngữ hơn là ý định mà Tu chính án hướng đến. Tòa có thể tập trung vào định nghĩa "được bầu", tức không cấm cựu tổng thống trở lại nắm quyền bằng cách kế nhiệm.
Nhưng Derek Muller, giáo sư luật bầu cử tại Đại học Notre Dame, bang Indiana, lưu ý Tu chính án thứ 12, có hiệu lực năm 1804, quy định "một người không đủ điều kiện để giữ vị trí Tổng thống cũng sẽ không đủ điều kiện làm Phó tổng thống Mỹ".
Điều này đồng nghĩa nếu không thể tranh cử lần nữa theo Tu chính án thứ 22, ông Trump cũng không thể tranh cử phó tổng thống. "Tôi không nghĩ có 'thủ thuật bất thường' nào để lách được quy định về giới hạn nhiệm kỳ", Muller nói với AP.
Jeremy Paul, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Northeastern, bang Massachusetts, có chung nhận định. "Không có lập luận pháp lý đáng tin cậy nào để ông Trump tranh cử nhiệm kỳ ba", ông Paul cho biết.
Nhưng ông Trump tuyên bố "vẫn còn những cách khác", dù không nêu rõ. Trang tin GZERO Media liệt kê thêm hai cách để ông Trump tiếp tục nắm quyền sau năm 2028 là ban bố thiết quân luật và không rời nhiệm sở ngay cả khi hết nhiệm kỳ.
Hiến pháp một số quốc gia trên thế giới quy định không tổ chức bầu cử trong thời gian thiết quân luật, nhưng tình trạng khẩn cấp này không được quy định cụ thể trong Hiến pháp Mỹ, theo Trung tâm Brennan về Tư pháp. Việc ban bố thiết quân luật mà không có lý do xác đáng cũng sẽ vấp phải sự phản đối từ quốc hội và Tòa án Tối cao.
Nếu một tổng thống từ chối rời nhiệm sở, nhánh lập pháp và tư pháp Mỹ sẽ phải vào cuộc để đảm bảo tính dân chủ. Ông Trump năm 2020 từng không công nhận thất bại trước đối thủ Joe Biden, tỏ ý không chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm. Tuy nhiên, ông cuối cùng vẫn phải rời khỏi Nhà Trắng vào ngày ông Biden nhậm chức.

Nhà Trắng tại thủ đô Washington, Mỹ tháng 11/2024. Ảnh: AFP
Hiện chưa rõ mức độ nghiêm túc của ông Trump với ý tưởng đảm nhận nhiệm kỳ ba. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với NBC News rằng "còn quá sớm để bàn về điều đó".
Trong email gửi The Hill, giám đốc truyền thông Nhà Trắng Steven Cheung cho biết "người dân Mỹ chấp thuận và ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump cùng chính sách 'Nước Mỹ trên hết' của ông".
"Như Tổng thống đã nói, còn quá sớm để nghĩ về chuyện đó. Ông ấy đang tập trung đảo ngược những điều đau đớn mà ông Biden đã gây ra và đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", theo ông Cheung.
Như Tâm (Theo Newsweek, Politico, AP)