Hàng chục nghìn người biểu tình ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro hôm 8/1 xông vào tòa nhà quốc hội, trụ sở Tòa án Tối cao và dinh Tổng thống Brazil, gây ra vụ bạo loạn chấn động dư luận.
Họ trèo lên mái nhà, đập phá cửa sổ, phá hủy các tác phẩm nghệ thuật, đánh cắp bản gốc Hiến pháp 1988 của Brazil, cũng như lấy trộm nhiều khẩu súng từ văn phòng an ninh ở dinh Tổng thống.
Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người vừa nhậm chức hôm 1/1, tuyên bố sẽ "trừng phạt tất cả những người gây ra vụ bạo loạn", đồng thời cáo buộc lực lượng cảnh sát vũ trang thủ đô Brasilia, dưới quyền của Thống đốc Ibaneis Rocha, đã không làm gì để ngăn chặn đoàn biểu tình. Rocha là một đồng minh thân cận của cựu tổng thống Bolsonaro và đã bị đình chỉ chức vụ 90 ngày sau vụ bạo loạn.
Biến cố cũng đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của quân đội và cảnh sát, những người gần như không có động thái chuẩn bị nào và dễ dàng bị các phần tử bạo loạn áp đảo, dù đám đông biểu tình đã thông báo kế hoạch "chiếm nhà quốc hội" từ nhiều ngày trước.
"Rất nhiều yếu tố dẫn tới sự việc này, trong đó không thể bỏ qua vai trò của quân đội Brazil. Nhiều lãnh đạo hàng đầu quân đội Brazil từng ủng hộ quan điểm cực hữu của ông Bolsonaro trong suốt thời gian dài, thậm chí còn công khai hỗ trợ nhiều cuộc biểu tình phản đối bầu cử trên khắp đất nước trước vụ bạo loạn", Rafael Ioris, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Brazil tại Đại học Denver của Mỹ, nhận định.
Ioris cho rằng hình ảnh hàng nghìn người tràn vào những cơ quan biểu tượng cho chính quyền Brazil đã dẫn tới hàng loạt hoài nghi về vai trò quân đội, đặc biệt là lực lượng Quân cảnh (MP), vốn có nhiệm vụ kiểm soát các cuộc biểu tình ở thủ đô.
"Quân đội không phụ trách an ninh nội đô trong thời bình, nhưng sự ủng hộ từ họ với ông Bolsonaro khiến nhiều thành viên quân cảnh tin rằng quan điểm của cựu tổng thống Brazil là hợp pháp", Ioris nói.
Sau khi tràn vào nhà quốc hội, người biểu tình đã kêu gọi lực lượng vũ trang phế truất Tổng thổng Lula với lý do "gian lận bỏ phiếu". Tuy nhiên, cảnh sát Brazil đã nhanh chóng trấn áp đám đông bạo loạn sau vài giờ.
Brazil từng nhiều lần chứng kiến lực lượng vũ trang chống đối chính quyền dân sự. Lần gần đây nhất đảo chính quân sự xảy ra tại nước này là năm 1964.
Kể từ khi lên nắm quyền, Bolsonaro, một cựu đại úy quân đội, đã xây dựng quan hệ khăng khít với lực lượng vũ trang bằng cách điều chuyển nhiều quan chức quốc phòng hàng đầu vào chính quyền.
Các tướng lĩnh cánh hữu thân cận với ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Y tế trong giai đoạn cao điểm của khủng hoảng Covid-19. Khoảng gần 6.000 quân nhân cũng được giao nhiều chức vụ trong chính phủ trong 8 năm qua.
Không ít quan chức không quân và hải quân Brazil cũng công khai ủng hộ biểu tình phản đối bầu cử, trong đó một số tướng lĩnh từng tuyên bố người biểu tình kêu gọi quân đội can thiệp là hành động "hợp hiến".
Theo chuyên gia Ioris, một yếu tố quan trọng khiến bạo loạn ở Brasilia nhanh chóng bị dập tắt là quân đội đã không hưởng ứng những lời kêu gọi "thanh lọc chính quyền" mà người biểu tình đưa ra. Cảnh sát Brazil sau đó đã nhanh chóng điều thêm lực lượng chi viện và bắt hơn 300 người có hành vi bạo lực.
Chuyên gia Mỹ cho rằng cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1/2021 và bạo loạn tại Brasilia ngày 8/1 có nhiều điểm chung, như người biểu tình cáo buộc bầu cử tổng thống xảy ra gian lận và lực lượng tham gia chính gồm những người theo chủ nghĩa cực hữu.
"Điểm khác biệt quan trọng chính là vai trò của quân đội. Một số cựu quân nhân từng góp mặt trong cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, nhưng các lãnh đạo quốc phòng Mỹ đều lên án sự kiện này và người biểu tình cũng không kêu gọi quân đội can thiệp", Ioris nhận xét.
Sự tương đồng giữa hai sự kiện cũng khiến chuyên gia Mỹ đặt dấu hỏi về những gì sẽ diễn ra tiếp theo. "Giới chức Mỹ đã làm tốt công việc khi trừng phạt hàng loạt người liên quan. Tôi không chắc điều này có thể lặp lại ở Brazil, khi chính quyền Tổng thống Lula sẽ phải đối đầu với những thế lực lớn trong quân đội và cảnh sát", ông cảnh báo.
Vũ Anh (Theo Reuters)