Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm 7/3 thông báo đã chặn đứng âm mưu tấn công của một nhóm thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhóm này hoạt động ở vùng Kaluga và bị phát hiện khi chuẩn bị tấn công vào giáo đường Do Thái ở Moskva. Các thành viên của nhóm đã bị bắn hạ khi chống trả đặc nhiệm Nga.
Thông tin này khi đó không gây được chú ý nhiều, bởi Moskva từ lâu không hứng chịu bất cứ vụ tấn công khủng bố lớn nào và người dân gần như đặt niềm tin tuyệt đối vào FSB cùng các lực lượng an ninh, tình báo Nga.
Trong những năm 2000 và 2010, Moskva từng hứng chịu loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm và sân bay của thành phố, hầu hết do phiến quân gốc Chechnya và những nhóm ly khai Hồi giáo khác từ bắc Kavkaz thực hiện.
Trong những năm gần đây, các vụ tấn công tương tự dường như đã biến mất, một phần nhờ loạt chiến dịch chống nổi loạn do an ninh Nga triển khai trong nhiều năm. Ngoài ra, xung đột tại Syria thu hút nhiều phần tử cực đoan tại Nga tới đây.
Bởi vậy, vụ tấn công khủng bố ngày 22/3 tại nhà hát Crocus City Hall tại Krasnogorsk, thành phố giáp phía tây thủ đô Moskva, được đánh giá là cú sốc khủng khiếp đối với xã hội Nga, đồng thời làm dấy lên hoài nghi về năng lực của cơ quan an ninh.
Sau khi thông tin về vụ khủng bố lan truyền, nhiều người đã tìm đọc lại cảnh báo được đại sứ quán Mỹ tại Moskva phát đi hôm 7/3, cho hay họ đang theo dõi thông tin rằng những kẻ cực đoan "có kế hoạch nhắm vào các cuộc tụ tập đông người ở Moskva, trong đó có các buổi hòa nhạc".
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định Washington không biết trước về vụ tấn công tại nhà hát ở Krasnogorsk, thêm rằng cảnh báo hôm 7/3 không liên quan tới sự việc, nhưng nó cũng khiến nỗi thất vọng với lực lượng an ninh Nga tăng lên.
IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công và nhóm này hoàn toàn có động cơ cũng như năng lực để thực hiện các cuộc đánh bom, khủng bố trên đất Nga.
Hàng nghìn công dân Nga và phần tử cực đoan nói tiếng Nga đổ tới Syria và Iraq trong thời kỳ đỉnh cao của IS, khi nhóm này kiểm soát khu vực lãnh thổ rộng lớn tại hai quốc gia Trung Đông. Những cựu thành viên IS sau đó bị giam trong những trại tù ở miền bắc Syria, một số được phép về nước.
Sự kiện ngày 22/3 là lời nhắc nhở rằng IS vẫn là mối đe dọa tiềm tàng với Nga. Trong khi đó, các cơ quan an ninh của Nga đang bận rộn với xung đột ở Ukraine có thể bỏ qua mối đe dọa này, bất chấp quân đội Nga vẫn hiện diện và tham chiến tại Syria.
Nhà hát Crocus City Hall nằm ở khu vực không có mức an ninh cực cao như trung tâm thủ đô Moskva, nơi có Điện Kremlin và các văn phòng chính phủ.
Tuy nhiên, đây là một trong những địa điểm lớn và nổi bật trong khu vực thủ đô. Nhiều bên đặt câu hỏi về lý do FSB không thể phát hiện sớm được âm mưu tấn công dù đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo và không có động thái nào triển khai lực lượng đảm bảo an ninh cho buổi hòa nhạc diễn ra tại đây. Lực lượng bảo vệ ở Crocus City Hall không được trang bị súng và nhanh chóng bị nhóm khủng bố bắn hạ ngay từ đầu vụ tấn công.
Giới quan sát nhận định cảnh báo của đại sứ quán Mỹ tại Nga hai tuần trước có thể không liên quan trực tiếp đến vụ khủng bố, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy tình báo phương Tây có thể đã chặn thu được thông tin gì đó, cho thấy nguy cơ một vụ tấn công sắp xảy ra.
Theo các quan chức Mỹ, tình báo nước này vào tháng 3 thu thập được thông tin nhánh Afghanistan của IS, còn gọi là IS-K, đã lên kế hoạch tấn công ở Moskva. Một quan chức Mỹ cho biết các thành viên IS đã tới Nga nằm vùng để chuẩn bị tấn công.
Các quan chức chống khủng bố Mỹ nhận định sau thời gian tương đối yên tĩnh, IS đang cố gắng tăng cường tấn công tại nhiều nước. Phần lớn âm mưu này bị ngăn chặn ở châu Âu, khiến nhiều bên cho rằng năng lực của IS đã suy giảm.
Tuy nhiên, IS hồi tháng 1 tổ chức vụ đánh bom kép khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong lễ tưởng niệm tướng Qasem Soleimani tại Iran. Vụ đánh bom này và vụ tấn công tại nhà hát Crocus có thể buộc các bên phải đánh giá lại năng lực tấn công ở nước ngoài của nhóm phiến quân.
Theo Colin Clarke, chuyên gia về chống khủng bố tại công ty tư vấn an ninh Mỹ Soufan Group, nhận định "IS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua", sau khi Nga tiến hành các hoạt động quân sự tại Chechnya và Syria chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Bất chấp căng thẳng hiện nay, các cơ quan an ninh, tình báo phương Tây và Nga vẫn chia sẻ thông tin về những mối đe dọa khủng bố. "An ninh Nga có thể hình dung về mối đe dọa sắp xảy ra, song dường như không đủ năng lực để chặn nó", Clarke nói.
Vụ tấn công nhà hát Crocus diễn ra trong lúc quân đội và an ninh Nga phải đối phó với loạt đợt xâm nhập của những nhóm vũ trang thân Ukraine tại các tỉnh biên giới như Belgorod và Kursk.
Trong vụ xâm nhập tỉnh Belgorod vào tháng 5/2023, Igor Girkin, cựu sĩ quan FSB, nhận định các cuộc tập kích như vậy "hình thành mặt trận mới dọc biên giới" và buộc Nga phải phân bổ lại lực lượng để củng cố thế trận.
Còn Sergey Radchenko, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, từng đánh giá các vụ tập kích ở biên giới cho thấy an ninh tại khu vực nói riêng và nước Nga nói chung suy giảm sau nhiều năm chiến sự với Ukraine. Những lỗ hổng như vậy buộc Nga phải phân tán nguồn lực để vá lại, ảnh hưởng tới hoạt động đảm bảo an ninh tại nơi khác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đưa ra quyết định mạnh tay sau những vụ tấn công mang tính khủng bố. Tuy nhiên, còn quá sớm để dự đoán ông Putin sẽ phản ứng ra sao trước vụ tấn công nhằm vào nhà hát Crocus.
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph, AFP, Reuters)