Ngày 18/3, kết thúc hai ngày đàm phán tại Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất được thỏa thuận lịch sử về việc hạn chế dòng người di cư đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2, theo Le Monde.
Theo thỏa thuận, kể từ ngày 20/3, toàn bộ người di cư bất hợp pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp sẽ bị trục xuất ngược lại. Đổi lại, EU sẽ đền bù cho Ankara bằng cách tiếp nhận trực tiếp và tái định cư cho những người Syria đã xin bảo hộ tị nạn hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ, tăng khoản tiền hỗ trợ người tị nạn lên 6,8 tỷ USD, đẩy nhanh quá trình xem xét để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU cũng như miễn thị thực đi lại cho công dân nước này đến khu vực Schengen ở châu Âu từ tháng 6.
Trong khi bản thỏa thuận được các bên ký kết ca ngợi thì một số tổ chức nhân đạo và hoạt động nhân quyền chỉ trích rằng đây là "cú đánh mạnh" vào quyền con người và cho rằng châu Âu đang quay lưng với người tị nạn.
Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) nhận định rằng việc trục xuất ngược những người di cư bất hợp pháp về Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiện tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một đất nước an toàn cho người tị nạn và người di cư nên việc gửi trả họ lại về đó là bất hợp pháp và không nhân đạo.
"Với bản thỏa thuận này các quan chức châu Âu dường như đang thể hiện tầm nhìn và quan điểm của những người thợ ống nước chứ không phải những người làm chính trị. Họ coi dòng người tị nạn như những dòng nước chảy không đúng hướng muốn cắt lúc nào thì cắt", một quan chức của AI khẳng định.
Nhiều chuyên gia phân tích và chính trị gia châu Âu cũng lên tiếng phản đối bản thỏa thuận, cho rằng các lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel - người được cho là đang quyết tâm duy trì chính sách nhân đạo với người tị nạn - đang dần quay lưng lại với số phận những người đang trong hoàn cảnh "tột cùng đau khổ".
Bình luận viên Jean Quatreme của La Libération nhận định rằng văn kiện này là một "bản thỏa thuận xấu hổ", bởi như vậy, 28 nước EU đã chối bỏ quyền tị nạn, một quyền con người được ghi nhận trong Công ước quốc tế.
Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của Đức Horst Seehofer nhấn mạnh với việc ủng hộ bản thỏa thuận, chính phủ của Thủ tướng Merkel đã thay đổi chính sách với người tị nạn và đánh mất bản sắc văn hóa nhân đạo.
"Chính phủ liên bang đã hoàn toàn thay đổi chính sách người tị nạn của mình, dù không thừa nhận điều đó", Ông Seehofer khẳng định.
Trong khi đó, nghị sĩ cấp cao của đảng Xanh Anton Hofreiter cáo buộc bà Merkel thay đổi chiến thuật, dần dần từ bỏ "cách tiếp cận nhân đạo" khi ủng hộ thoả thuận giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm lấy lại uy tín sau thất bại của đảng cầm quyền CDU tại cuộc bầu cử vùng ngày 11/3 vừa qua.
Hoài nghi
Bên cạnh những chỉ trích về tính phi nhân đạo đối với người tị nạn, các chuyên gia phân tích thế giới cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của bản thỏa thuận lịch sử này.
Theo Financial Times, thỏa thuận đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi chính sách đối với người tị nạn của châu Âu với khẩu hiệu nổi tiếng "Chúng ta có thể làm được" của Thủ tướng Đức Angela Merkel sang một khẩu hiệu mới "Chúng ta không thể làm được nữa".
Bình luận viên Jean Quatreme cho rằng hiện có ba câu hỏi về việc liệu bản thỏa thuận này có phát huy hiệu quả hay không.
Thứ nhất, liệu nhà chức trách Hy Lạp có đủ năng lực hành chính để xử lý và ngăn chặn người di cư đặt chân đến các đảo của nước này hay không. Chủ tịch ủy ban châu Jean-Claude Juncker đánh giá rằng mọi con mắt đang đổ dồn vào Hy Lạp. Theo tính toán, để thực thi thỏa thuận vào đúng hạn đã định là ngày 4/4, nước này sẽ phải tuyển dụng khoảng 4.000 thẩm phán và phiên dịch làm việc trong vòng 6 tháng, chi phí cho việc này lên đến 350 triệu USD. Đây là thách thức lớn với một chính phủ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và quản lý yếu như Hy Lạp.
Thứ hai, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự hợp tác hay không, đặc biệt trong bối cảnh EU cũng chưa chắc sẽ thực hiện được hết những gì đã cam kết. Trên thực tế, nhiều nước EU không hài lòng với cam kết miễn visa cho người Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, có thể người di cư vẫn sẽ tìm mọi cách để đến châu Âu qua các tuyến đường khác, ví dụ như Libya, nơi chưa có một chính phủ hoạt động đầy đủ chức năng.
"Những hoài nghi xung quanh bản thỏa thuận vẫn còn quá nhiều, đặc biệt là khi khả năng phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp còn rất yếu do những mâu thuẫn trong lịch sử", ông Junker khẳng định.
Nguyễn Hoàng