Các quốc gia giàu dầu mỏ ở Vùng Vịnh suốt hàng thập kỷ qua đặt niềm tin vào lời hứa bảo vệ của Mỹ, một cam kết được củng cố bằng hàng loạt căn cứ quân sự trải khắp khu vực. Song cam kết này đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất: Một cuộc tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu quan trọng ở Arab Saudi ngày 14/9, gây sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu.
Mỹ và Arab Saudi cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công nhưng Tehran phủ nhận. Tổng thống Donald Trump đe dọa Mỹ đã "khóa mục tiêu và lên đạn", sẵn sàng đáp trả. Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố hùng hồn như vậy, suốt nhiều tháng qua ông chủ Nhà Trắng vẫn cho thấy sự lưỡng lự trong việc thực hiện các động thái quân sự tiềm ẩn nguy cơ khiến xung đột mở rộng, không thể kiểm soát. Một phản ứng hời hợt hoặc không phản ứng từ Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy khu vực có lẽ sắp trải qua bước ngoặt lớn.
"Đây là một vấn đề nghiêm trọng", Gregory Gause, học giả về Trung Đông tại Đại học Texas A&M, nhận xét. "Đây là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc xung đột Iraq - Kuwait (1990) đối với vị thế của Mỹ như là một cường quốc có trách nhiệm bảo vệ dòng chảy năng lượng tự do tại khu vực. Nếu chính quyền Trump không có thay đổi đáng kể trong cách phản ứng, các lãnh đạo Vùng Vịnh sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về những cam kết an ninh mà Mỹ đưa ra".
Cuộc tấn công nhà máy dầu Arab Saudi trước tiên cho thấy một thực tế là dù Riyadh đã chi hàng tỷ USD để phát triển quân đội, chúng vẫn không thể bảo vệ ngành công nghiệp trung tâm của đất nước khỏi bị tổn thương. Bên cạnh đó, nó cũng chứng minh rằng tên lửa tầm thấp và máy bay không người lái ngày càng sẵn có trên thế giới và chúng đủ khả năng đánh bại ngay cả những hệ thống phòng thủ tinh vi nhất.
Nếu Tehran trực tiếp thực hiện cuộc tấn công như Washington và Riyadh cáo buộc, đây là một bước đi lệch khỏi con đường quen thuộc mà bấy lâu nay họ vẫn sử dụng là mượn tay các lực lượng đồng minh để tấn công đối thủ, điều rõ ràng gây ngạc nhiên với cả Nhà Trắng.
Nhằm cho Nhà Trắng thấy những tác hại khi áp đặt trừng phạt lên ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran, Tehran có thể sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công mới, với tính toán rằng Tổng thống Trump không bao giờ mong muốn phát động một cuộc chiến khác ở khu vực trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang tới gần.
Trước Arab Saudi, Iran cùng những lực lượng ủy nhiệm đã bị cáo buộc thực hiện hàng loạt cuộc tấn công nhắm vào tàu dầu đi qua Vùng Vịnh và bắn hạ máy bay không người lái Mỹ. Iran đến nay chỉ chịu rất ít hoặc không phải trả cái giá nào về mặt quân sự vì những hành động trên.
Tổng thống Trump tới giờ chưa cho thấy ông sẵn sàng đối đầu với các động thái leo thang từ Iran ngoại trừ những dòng tweet đe dọa. Ông còn mới sa thải cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người có tư tưởng cứng rắn nhất trong chính quyền về vấn đề Iran. Và thay vì tập trung vào mục tiêu truyền thống của Mỹ là đảm bảo dòng chảy dầu mỏ tự do ở khu vực, Trump dường như đang quay trở lại với quan điểm rằng "Arab Saudi nên tự giải quyết các cuộc chiến", như một dòng tweet ông đăng hồi năm 2014.
Việc Iran tiếp tục tìm cách tấn công các sơ sở dầu mỏ Arab Saudi không phải điều quá khó đoán. Giới chuyên gia suốt nhiều tháng qua đã dự đoán rằng chiến lược "gây sức ép tối đa" lên Iran bằng lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump theo đuổi sẽ thúc đẩy nước này chống lại hoạt động sản xuất dầu mỏ của Arab Saudi và các quốc gia Arab Vùng Vịnh khác.
Lãnh đạo các nước Arab từng cáo buộc chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama rút lại cam kết của Mỹ tại khu vực. Họ cho rằng Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran đồng ý xóa bỏ lệnh trừng phạt, đổi lại Iran hạn chế chương trình hạt nhân song lại không hạn chế thêm các hoạt động quân sự khác. Các lãnh đạo Arab còn giận dữ khi tổng thống Obama hủy một kế hoạch không kích nhằm vào Syria, đồng minh với Iran, vì sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Hiện tại, một số tiếng nói nổi bật ở các quốc gia Vùng Vịnh bắt đầu cáo buộc Trump phản bội họ. "Cách phản ứng của Trump với Iran thậm chí còn tồi tệ hơn cả Obama", Abdulkhaleq Abdulla, nhà khoa học chính trị có ảnh hưởng ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nói. Theo Abdulla, Trump đã khiến các đối tác Arab thất vọng khi không thể đáp trả mạnh mẽ hơn trước những động thái gây hấn từ Iran.
Mỹ nói Iran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào 5 tàu dầu ở vịnh Ba Tư mùa xuân vừa qua và hồi tháng 6, Iran tuyên bố bắn rơi máy bay do thám không người lái Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không làm gì nhiều để đáp trả, thậm chí còn hủy quyết định không kích Iran nhằm trả đũa vụ bắn rơi máy bay không người lái vào phút chót.
"Phản ứng hời hợt từ phía ông ấy bật đèn xanh cho cuộc tấn công này", Abdulla nói. "Giờ đây, một đối tác chiến lược Vùng Vịnh đã bị tấn công ồ ạt bởi Iran, vốn bị kích động do Trump, không phải do chúng tôi. Và chúng tôi lại nghe được từ Mỹ rằng bạn phải tự bảo vệ chính mình. Đó là một thất bại đáng thất vọng và thảm hại của chính quyền Trump".
Trump chưa loại bỏ khả năng đáp trả quân sự nhằm vào Iran. Các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu hôm qua nhóm họp và liệt kê một danh sách các mục tiêu tiềm năng ở Iran nếu Trump muốn tấn công. Song, Tổng thống Mỹ đã thể hiện rõ rằng ông phản đối một cuộc chiến tranh khác và ra lệnh áp thêm trừng phạt lên Iran. Giới lãnh đạo Iran gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ là đòn "chiến tranh kinh tế".
"Iran cảm thấy họ bị dồn vào chân tường", giáo sư Gause nhận định và thêm rằng đây là lý do khiến họ thực hiện các hành động hung hăng hơn so với trước đây. "Iran đang nỗ lực thoát ra khỏi tình cảnh bị bóp nghẹt".
Trong một động thái nhằm bảo vệ chính sách của chính quyền, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần qua khẳng định các biện pháp trừng phạt có thể làm giảm khả năng Iran tiến hành những cuộc tấn công tinh vi hơn bằng tên lửa và máy bay không người lái.
Lãnh đạo Iran phủ nhận tham gia cuộc tấn công vào hai nhà máy dầu Arab Saudi, song cùng lúc họ lại ca ngợi thành công của nó.
Cuộc tấn công cho Mỹ thấy rằng "việc chơi đùa với đuôi sư tử luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm đáng sợ và nếu họ chống lại Iran, họ sẽ không có ngày mai", tướng Hossein Dehghan từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 19/9 lên tiếng cảnh báo.
Theo Suzanne Maloney, học giả về Iran tại Viện Brookings, trụ sở ở Washington, Mỹ, người Iran trước đây có lẽ cảm thấy lo lắng trước những dòng tweet đe dọa từ Tổng thống Trump và những cố vấn "diều hâu" bên cạnh ông nhưng hiện tại, "họ nhận ra rằng Trump sẽ không làm theo những tuyên bố hùng hồn của mình".
Các nhà phân tích khác cho rằng những báo động ở Vịnh Ba Tư trước khả năng Mỹ rút lui đã bị thổi phồng dưới thời tổng thống Obama và vẫn không thay đổi ở thời Trump.
Tàu chiến Mỹ vẫn tuần tra ở Vùng Vịnh để bảo vệ tàu chở dầu. Vệ tinh và máy bay do thám không người lái Mỹ vẫn giám sát bầu trời. Các căn cứ quân sự Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những âm mưu gấy hỗn loạn ở khu vực. Nhưng việc Tổng thống Trump lớn tiếng đe dọa nhưng chưa hành động đã xô đổ mọi cố gắng của Mỹ, Jeremy Shapiro, nhà nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Obama, đánh giá.
Theo ông, Trump đã khiến chính quyền Mỹ phải đứng giữa hai lựa chọn là "gây leo thang căng thẳng một cách kém khôn ngoan hay thoái lui và nhận lấy sự bẽ bàng".
Vũ Hoàng (theo NYTimes)