Họ không chỉ diện trang phục của các triều đại mà đầu tóc, trang điểm đều cầu kỳ như trong phim cổ trang. Hình thức này thu hút gần như mọi tầng lớp, từ các bạn nhỏ, nam nữ thanh niên đến các chị trung niên. Khi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là một trào lưu mới nổi nào đó.
Tháng 12/2023, khi trở lại thăm Cố Cung và các điểm tham quan nổi tiếng khác tại Bắc Kinh tôi cũng bắt gặp cảnh tượng tương tự. Nhiều gia đình và các bạn trẻ hóa thân thành vương thân quốc thích, cung tần mỹ nữ các triều đại đi vào chụp ảnh. Dường như mặc Hán phục truyền thống đã trở thành cách người dân Trung Quốc "sống" cùng di sản văn hóa của họ.
Trao đổi với các giáo sư nghiên cứu về công nghiệp văn hóa tại nhiều đại học nổi tiếng ở Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, tôi mới biết hiện tượng này được gọi là quốc phong. Quốc phong nhằm chỉ các hiện tượng văn hóa đương đại có yếu tố, phong cách, khí chất của Trung Quốc truyền thống. Đi cùng quốc phong là quốc trào, tức là trào lưu tiêu dùng sản phẩm trong nước lấy mỹ học truyền thống làm đặc sắc. Sản phẩm được tiêu thụ trong quốc trào phong phú về thể loại như âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, đồ dùng gia đình, trang phục, ẩm thực và đồ dùng hàng ngày.
Quốc phong - quốc trào không đơn thuần là một hiện tượng văn hóa đời sống trong xã hội Trung Quốc đương đại. Trong 3-4 năm gần đây, sự phát triển của quốc phong và quốc trào ở nước này đã đưa lại những giá trị kinh tế đáng kể. Theo số liệu tiêu dùng của Jingdong - một trong hai nền tảng thương mại trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, giai đoạn 2018-2021, lượng người tiêu dùng các sản phẩm liên quan đến quốc trào ở Trung Quốc tăng 9 lần, doanh số bán hàng tăng 411%. Báo cáo mức tiêu dùng sản phẩm quốc trào của giới trẻ do Tân Hoa Xã kết hợp với nền tảng thương mại Dewu cho thấy, 74% lực lượng đóng góp cho thị trường sản phẩm quốc trào là thế hệ 9X và gen Z.
Từ nhu cầu mặc để chụp ảnh của một nhóm người, năm 2021, quốc phong của Trung Quốc đã tạo ra ngành Hán phục với quy mô thị trường 10,1 tỷ NDT (tương đương 35.000 tỷ đồng) và hơn 10 triệu người tiêu dùng. Nhu cầu của thị trường Hán phục từ quốc phong cũng đã làm nên câu chuyện thoát nghèo của huyện Tào (thuộc thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông). Theo một số nghiên cứu của Tân Hoa Xã, thông qua việc hình thành ngành sản xuất Hán phục với đầy đủ hệ sinh thái từ thiết kế, dệt, thêu, thiết bị, marketing trực tuyến, huyện Tào đã đưa thu nhập bình quân mỗi lao động từ 800-1.500 NDT (3-5 triệu đồng) mỗi tháng lên 3.000 NDT (khoảng 11 triệu đồng) thậm chí thợ lành nghề có thể đạt 5.000-6.000 NDT (18-20 triệu đồng).
Một số ngành "ăn theo" như chụp ảnh Hán phục tại huyện Tào mỗi năm cũng có doanh thu khoảng 50 triệu NDT (tương đương 170 tỷ đồng). Sự phát triển của quốc trào cũng là động lực để thúc đẩy các bảo tàng tại Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất sản phẩm văn hóa sáng tạo từ các di sản có sẵn. Đến nay, Bảo tàng Cố Cung đã hình thành một gian hàng riêng tại trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Taobao với hàng nghìn sản phẩm. Doanh thu bán các sản phẩm này và bản quyền liên quan vượt qua doanh thu vé vào cửa.
Việt Nam cũng thường xuyên xuất hiện trào lưu người dân, đặc biệt là giới trẻ, hào hứng chụp ảnh với các tà áo dài phong cách truyền thống, hay cơn sốt trở lại của họa tiết con công - bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng rất thân thuộc với cuộc sống thời bao cấp ở Việt Nam. Đó là những làn gió tự nhiên, là sự tìm về của giới trẻ với những giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài họa tiết chăn con công, tôi hy vọng sẽ còn được chứng kiến nhiều trào lưu thẩm mỹ hoài cổ, hướng về các biểu tượng văn hóa khác thực sự nguồn cội của Việt Nam.
Từ sau khi nước ta ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2016), đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, việc thúc đẩy thị trường văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa không còn là câu chuyện lý thuyết của riêng các nhà nghiên cứu như chúng tôi. Điều không còn phải bàn cãi là các giá trị văn hóa hoàn toàn có thể tận dụng để phát triển thành một ngành công nghiệp. Vấn đề cần bàn là làm thế nào và bắt đầu từ đâu. Việt Nam là quốc gia có kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài hàng nghìn năm lịch sử. Cả nước có hơn 100 bảo tàng, kể cả bảo tàng cấp tỉnh và các bảo tàng chuyên ngành. Rõ ràng nguồn tài nguyên cho ngành công nghiệp văn hóa là phong phú và cần phải được khai thác.
Thay vì bàn những chiến lược vĩ mô và các giải pháp lớn, ít nhiều xa lạ, chỉ gắn với nhiệm vụ của các ban ngành chức năng, câu chuyện quốc phong - quốc trào của Trung Quốc và hình ảnh áo dài, họa tiết chăn con công đang rộn ràng khắp các ngõ phố Hà Nội, tôi nghĩ rằng cũng đưa lại nhiều gợi mở về cách làm.
Đầu tiên là sự lưu tâm đưa các giá trị văn hóa truyền thống vào cuộc sống thường nhật một cách tự nhiên. Chẳng hạn, việc phục dựng Tết xưa, chuyến tàu Tết của những thập niên 1970-80 tại Hoàng thành Thăng Long đã giúp người dân thấy mình trở thành một phần của không gian truyền thống. Phong tục, lối sống được ghi lại trong sách vở sẽ không thể hồi sinh nếu thiếu yếu tố con người. Những không gian truyền thống được khéo léo đan cài vào nếp sinh hoạt hiện đại sẽ khiến người dân được đánh thức rằng, hành động nhỏ của họ đối với văn hóa dân tộc là đang góp phần chấn hưng văn hóa và thể hiện sự tự tin vào các giá trị tốt đẹp vốn có.
Thứ hai là vai trò giới trẻ trong việc xây dựng chủ thể của thị trường văn hóa. Đây là những nhóm tuổi ưa thích sự mới mẻ, hợp thời và luôn muốn chứng minh bản thân qua việc tiếp cận nhanh các xu hướng mới. Họ cũng là lực lượng tiêu dùng luôn muốn thể hiện cá tính qua các sản phẩm. Văn hóa truyền thống với vô vàn biểu tượng là kho tàng để giới trẻ khai thác và thể hiện cá tính. Vai trò của các nhà chiến lược - bằng kinh nghiệm và khả năng kết nối của mình - là dự báo, tiếp sức và tạo ra các liên kết đa lĩnh vực để lan tỏa và tận dụng tốt các hiệu ứng thẩm mỹ từ trào lưu giới trẻ, thay vì để mọi thứ rộ lên rồi tan đi trong hạn hẹp một cơn sốt check-in.
Nếu có thể phát huy vai trò tiên phong của giới trẻ, thì không chỉ các giá trị văn hóa tốt đẹp được chấn hưng mà việc tạo nên hình hài của ngành công nghiệp văn hóa triệu đô không phải là câu chuyện của 20 năm hay 30 năm nữa.
Trần Thị Thủy