Loài khủng long mới, được đặt tên là Wulong bohaiensis (có nghĩa: rồng nhảy), chỉ nhỏ bằng một con quạ nhưng dài gấp đôi nếu tính cả đuôi. Nó trông khá giống các loài chim hiện đại ngày nay với hai chi trước phát triển thành cánh và toàn bộ cơ thể được bao phủ bởi lông vũ.
Wulong bohaiensis có cấu trúc xương nhỏ, nhẹ và linh hoạt. Khác với chim, loài khủng long này sở hữu một chiếc miệng đầy răng sắc nhọn. Bên cạnh đó, chúng có tốc độ mọc lông đáng kinh ngạc. Bộ xương được tìm thấy thuộc về một con non nhưng các phân tích hóa thạch cho thấy nó có bộ lông gần hoàn thiện như con trưởng thành.
"Hoặc là những con khủng long non cần lông cho một số chức năng mà chúng ta chưa biết đến, hoặc là chúng có cách mọc lông thực sự khác so với hầu hết các loài chim hiện đại ngày nay", tác giả chính của nghiên cứu Ashley Poust, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego, Mỹ cho biết.
"Những loài khủng long có cánh và lông vũ như Wulong bohaiensis liên quan chặt chẽ tới nguồn gốc của các loài chim. Nghiên cứu mẫu vật như thế này không chỉ giúp chúng ta hiểu biết thêm về cuộc sống cổ đại đáng kinh ngạc, mà còn cho phép kiểm tra các lý thuyết về đặc điểm của loài chim, bao gồm cả khả năng bay phát triển trong quá khứ", Poust nói thêm.
Wulong bohaiensis được cho là có họ hàng gần nhất với loài Velociraptor, một chi khủng long có lông vũ đi bằng hai chân sinh sống vào cuối kỷ Phấn Trắng, cách đây 75 triệu năm. Nó sinh sống cùng thời với một chi khủng long giống chim nổi tiếng khác là Microraptor.
Phát hiện mới ở Thừa Đức một lần nữa cho thấy cuộc sống cổ đại từng phát triển rất da dạng ở khu vực này. Vùng đất nằm ở phía đông bắc Trung Quốc nổi tiếng với những khám phá hóa thạch được lưu giữ tốt đã được nghiên cứu trong 90 năm qua.
Đoàn Dương (Theo CNN)