Tác giả chính của nghiên cứu Brent Adrian, chuyên gia giải phẫu học tại Đại học Midwestern của Mỹ, đặt tên cho loài bò sát cổ đại mới là Pleurochayah appalachius. Phần còn lại của sinh vật được tìm thấy tại điểm nóng hóa thạch Arlington Archosaur Site ở Texas, Mỹ, nơi lưu giữ rất nhiều mẫu vật vẫn còn trong tình trạng tốt của các loài bò sát kỷ Phấn Trắng.
Trong bài đăng trên tạp chí Scientific Reports hôm 20/5, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh P. appalachius là loài rùa cổ bên lâu đời nhất ở Bắc Mỹ, sống cách đây 94 - 100 triệu năm. Tên gọi "rùa cổ bên" bắt nguồn từ việc chúng có khả năng khép cổ vào một bên mai và chỉ mở một mắt để quan sát.
Phân tích hóa thạch chi tiết hơn tiết lộ P. appalachius thuộc họ Bothremydidae, bao gồm các loài rùa cổ bên đã tuyệt chủng có nguồn gốc từ siêu lục địa Gondwana ở phía nam địa cầu. "Phát hiện này là một trong những ví dụ sớm nhất về sự phân tán xuyên lục địa của rùa cổ bên", Adrian nhấn mạnh.
Các đặc điểm hóa thạch của P. appalachius cho thấy chúng nghi cao với lối sống thủy sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư đường dài. Hình thái chức năng của xương chi chỉ ra rằng chúng có kiểu bơi giống như chèo thuyền Rowing, trái ngược với chuyển động vỗ như các loài rùa biển hiện đại.
Phân tích phát sinh loài tiết lộ P. appalachius có quan hệ họ hàng gần nhất với hai nhóm Cearachelyini và Kurmademydini trong họ Bothremydidae. Chúng chia sẻ các đặc điểm nguyên thủy mà hầu hết các loài Bothremydidae đều có.
Khu vực Arlington Archosaur Site trong quá khứ là một vùng đất ngập nước nằm gần bờ biển của một bán đảo lớn. Nơi đây từng có một sinh thái vô cùng đa dạng với các quần thể cá sấu, khủng long, lưỡng cư, động vật có vú, cá, động vật không xương sống và thực vật. Nhiều loài trong số đó chưa từng được mô tả.
Đoàn Dương (Theo SciTech Daily)