Bộ xương hóa thạch thuộc về loài rùa cổ đại lang thang trên Trái Đất vào thế Tiệm Tân (23 - 33,9 triệu năm trước) ở cuối kỷ Cổ Cận, theo Hungary Today. Con rùa hóa thạch nặng hai kilogram sẽ được bán ở London hôm 27/4.
Tại thời điểm xác rùa bị chôn vùi, cấu tạo Trái Đất rất khác biệt và khu vực đất đai ở South Dakota, Mỹ, có nhiệt độ ấm hơn, tạo nên môi trường sống lý tưởng cho loài rùa. Con rùa cổ đại được khai quật ở khu vực đất cằn ven sông White cách đây 5 năm.
Các cuộc kiểm tra khoa học tiến hành sau khai quật cho thấy đây là loài rùa đã tuyệt chủng tên Stylemys, sinh sống ở các khu vực ôn đới và cận nhiệt của Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Khác với rùa hiện đại, stylemys có cơ hàm giống loài linh trưởng và là động vật ăn cỏ.
Sau đó, con rùa rơi vào tay một nhà sưu tập tư nhân. Người này bán lại hóa thạch cho nhà đấu giá Christie và giá trị ước tính của nó lên tới 4.340 USD.
"Quá trình hóa thạch phụ thuộc vào một loạt điều kiện hiếm gặp và rất ít khi xảy ra, đặc biệt là ở loài rùa. Phần lớn động vật chết bị thú ăn xác thối rỉa xác nhưng mẫu vật này chìm vào lòng đất và vẫn nguyên vẹn. Sau hàng triệu năm, nó bị chôn vùi ngày càng sâu và cuối cùng trở thành hóa thạch", James Hyslop, trưởng phòng khoa học ở nhà đấu giá, cho biết.
Quá trình hóa thạch diễn ra trong thời gian dài khi trầm tích bao phủ cái xác, khiến xương, răng và mai rùa bị bao kín. Trải qua hàng nghìn năm, các bộ phận cơ thể còn lại phân hủy và được thay thế bằng vật liệu đá vôi. Kết quả là một mẫu hóa thạch sống động y như bản sao của con vật.
Phương Hoa