Một phần hóa thạch của loài cá Sparalepis tingi dài 20 cm được tìm thấy ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đang thu hút sự chú ý của các nhà cổ sinh vật học. Được đặt tên theo lực lượng bộ binh Sparabara của Đế quốc Ba Tư, loài cá có những chiếc vảy tương tự như tấm khiên mà các chiến binh đem theo ra chiến trường, theo RT.
Trong nhiều thập kỷ, hóa thạch này đã khiến cộng đồng khoa học tin chắc các quần thể cá có hàm và xương sống xuất hiện trên toàn cầu vào kỷ Devon (từ 419,2 triệu đến 358,9 triệu năm trước).
Nghiên cứu công bố hôm 8/3 trên tạp chí PLOS.One của nhóm chuyên gia ở Đại học Flinders, Australia và Viện Cổ sinh vật học ở Động vật có xương sống, Trung Quốc, cho thấy sự bùng nổ của loài cá có hàm và xương sống thực chất bắt đầu sớm hơn hàng chục triệu năm so với quan niệm trước đây.
Hóa thạch Sparalepis chứng tỏ sự bùng nổ của loài cá có thể diễn ra từ kỷ Silur (từ 443,7 đến 419,2 triệu năm trước). Vị trí tìm thấy hóa thạch cũng có ý nghĩa quan trọng, thôi thúc các nhà cổ sinh vật học tập trung nhiều hơn vào phía đông Trung Quốc. Hóa thạch cũng chỉ ra sự phân hóa sớm của loài cá trên Trái Đất, đồng thời lấp đầy mắt xích hình thái học còn thiếu mà các nhà khoa học đã cố hoàn thiện trong nhiều năm.
Phương Hoa