Nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà cổ sinh vật học Martin Kundrat ở Trung tâm Sinh học Liên ngành thuộc Đại học Jozef Safarik ở Slovakia, phát hiện hóa thạch nằm trong số những xương phôi thai khủng long nguyên vẹn nhất trên thế giới. Đó là hộp họ gần như chưa bị vỡ dài khoảng 3 cm. Hộp sọ này vẫn giữ được hình dáng lập thể thay vì bị đè bẹp trong quá trình hóa thạch. Các nhà nghiên cứu công bố chi tiết phát hiện trên tạp chí Current Biology hôm 27/8.
Hóa thạch phôi thai kỷ Phấn Trắng ở vùng Patagonia có niên đại 80 triệu năm. Những đường nét đặc trưng trên mặt con khủng long titanosaur mới nở sẽ thay đổi khi nó lớn lên. Công nghệ chụp ảnh tối tân hé lộ nhiều đặc điểm gây bất ngờ, bao gồm một chiếc sừng nhỏ nhô ra từ mõm và mắt lồi, chứng tỏ nó dùng cả hai mắt để nhìn. Chiếc sừng có thể giúp con khủng long chui ra khỏi vỏ trứng nhưng cũng giúp nó tự vệ và thu thập thức ăn.
Titanosaur nằm trong nhóm khủng long ăn cỏ sinh tồn rất thành công gọi là sauropod, nổi tiếng với chiếc cổ dài, đuôi đồ sộ và chân to như cây cột. Những loài lớn nhất như Argentinosaurus và Patagotitan dài 35 m. Nhóm nghiên cứu chưa rõ hóa thạch phôi thai chính xác thuộc về loài nào. Hộp sọ của nó có nhiều đặc điểm tương tự loài titanosaur lớn cỡ trung bình mang tên Tapuiasaurus dài 13 m. Phôi thai trong hóa thạch khác biệt về cấu tạo gương mặt và kích thước so với các phôi thai khủng long titanosaur Patagonia.
An Khang (Theo Reuters)