Nhóm nghiên cứu của Sebastian Stumpf, chuyên gia tại Đại học Vienna, tìm thấy hóa thạch cá mập cổ đại Asteracanthus tại vùng đá vôi Solnhofen, Bavaria, Cnet hôm 15/1 đưa tin. Vùng đá vôi này hình thành từ cuối kỷ Jura, khoảng 150 triệu năm trước.
Cá mập khó lưu giữ dưới dạng hóa thạch hơn khủng long vì bộ khung cá mập thực chất cấu tạo từ sụn, không phải xương. Hóa thạch Asteracanthus gần như hoàn chỉnh tại Solnhofen rất hiếm. Hóa thạch này cho thấy Asteracanthus dài 2,5 m và là một trong những loại cá mập lớn nhất vào cuối kỷ Jura.
Hóa thạch tại Solnhofen còn khá nguyên vẹn, mang lại nhiều thông tin giá trị cho các nhà khoa học. Nhà tự nhiên học Louis Agassiz đã mô tả Asteracanthus hơn 180 năm trước dựa vào hóa thạch vây lưng. Tuy nhiên, đây là hóa thạch đầu tiên với các phần xương vẫn nối với nhau theo trật tự, nhóm chuyên gia cho biết. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Papers in Palaeontology.
Bộ răng của hóa thạch cá mập được lưu giữ đặc biệt tốt với hơn 150 chiếc răng, mỗi chiếc có một chỏm ở trung tâm, hai bên là những chỏm nhỏ hơn. "Loại răng này cho thấy Asteracanthus là động vật săn mồi chủ động, nhắm đến nhiều con mồi khác nhau. Asteracanthus chắc chắn là một trong những loại cá sụn lớn và ấn tượng nhất thời kỳ đó", Stumpf nhận định.
Thu Thảo (Theo Cnet)