Theo các nhà chức trách từ Sở Tài nguyên Biển Maine, mẫu vật dạt vào Bremen là một con đực dài gần 8 m, tương đương chiều dài của một chiếc xe tải loại 8 tấn. Nguyên nhân gây ra cái chết của con vật vẫn chưa được xác định.
Cá nhám phơi nắng (Cetorhinus maximus) là loài cá lớn thứ hai còn tồn tại trên Trái Đất, sau cá mập voi, khi có thể phát triển tới chiều dài 12 m. Chúng phân bố từ vùng biển ấm đến ôn đới trên khắp thế giới và thường xuyên xuất hiện gần đất liền.
Mặc dù có kích thước khổng lồ, cá nhám phơi nắng vô hại với con người. Chúng kiếm ăn bằng cách lướt về phía trước với cái miệng mở rộng để hút hàng nghìn tấn nước biển mỗi giờ và lọc thức ăn qua mang, bao gồm sinh vật phù du, động vật không xương sống và cá nhỏ.
Tên gọi cá nhám phơi nắng bắt nguồn từ hành vi kiếm ăn gần bề mặt như thể chúng đang phơi mình dưới ánh nắng Mặt Trời. Những sinh vật khổng lồ này đôi khi còn nhảy lên khỏi mặt nước để trục xuất ký sinh trùng bám trên da hoặc giao tiếp với đồng loại.
Cetorhinus maximus hiện được xếp vào nhóm động vật "nguy cấp" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Hoạt động đánh bắt cá của con người là nguyên nhân chính khiến quần thể loài suy giảm mạnh trong những thập kỷ qua.
Đoàn Dương (Theo Live Science)