Theo Thời báo Hoàn cầu, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Cổ sinh vật, Viện Địa chất Nam Kinh hôm 9/3 cho biết hóa thạch bọt biển mới phát hiện chứng tỏ 600 triệu năm trước, động vật nguyên thủy đã xuất hiện trên Trái Đất.
Động vật thân lỗ hay còn gọi là bọt biển, hải miên, là một ngành độc vật đa bào nguyên thủy, có những mô khác nhau nhưng không có cơ, hệ thần kinh và cơ quan bên trong hay khả năng vận động, phần lớn sinh sống ở biển.
Theo các nhà khoa học, đây là hóa thạch động vật nguyên thủy lâu đời nhất được phát hiện. Hóa thạch bọt biển này được tìm thấy ở huyện Úng An, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, thể tích khoảng 2-3 mm3.
Hóa thạch nằm bên trong một mảnh đá lân dolomit (dolomich phosphate), hình ống, có ba khoang riêng biệt, mọc từ một thực thể, mỗi khoang đều có miệng hướng lên trên.
Thực thể sinh vật này đã trải qua phân hóa tế bào rõ rệt, xuất hiện tế bào biểu bì và tế bào cổ áo giống động vật thân lỗ hiện đại. Ngoài ra, giữa tế bào biểu bì còn sinh ra vô số lỗ nhỏ, thông trực tiếp với miệng của các khoang, hình thành hệ thống ống dẫn đơn giản, tạo thành kênh trao đổi chất giữa bọt biển và môi trường bên ngoài.
"Những đặc điểm sinh học này cho thấy bọt biển 600 triệu năm trước là một loại động vật nguyên thủy rất giống với động vật hải miên hiện đại", Tiến sỹ Ân Tông Quân, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Trước đây, người ta từng phát hiện vật nghi là hóa thạch bọt biển thời Tiền Kỷ Camri. Do không xuất hiện kết cấu tế bào, cũng như hệ thống ống dẫn thỏa mãn yêu cầu của thủy động lực học, nên các nhà khoa học không công nhận đó là hóa thạch bọt biển.
"Hóa thạch bọt biển Quý Châu được bảo quản trong trạng thái hoàn hảo, giữ lại toàn bộ kết cấu tế bào và hệ thống ống dẫn", ông Ân nói. "Phát hiện này đẩy lùi phát hiện hóa thạch thời Tiền Kỷ Camri thêm 60 triệu năm nữa. Kết hợp với cây phả hệ và đồng hồ phân tử, ta suy đoán được, tổ tiên của mọi loài động vật xuất hiện cách đây ít nhất 600 triệu năm".
Hồng Hạnh