![]() |
Một thanh niên đang quỳ và cầu nguyện cho một người thân tại một nhà để hài cốt ở Paju, bắc Seoul. |
Đây là quốc gia có mật độ dân cư dày đặc nhất trong OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Các con số thống kê của ngành tang lễ cho thấy có hơn 20 triệu lăng mộ trên khắp đất nước. "Trong đó, 40% là bị bỏ hoang”, ông Park cho biết.
Nhiều người Hàn Quốc cảm thấy khó khăn khi phải đối chọi với nạn tắc đường khủng khiếp để tới thăm mộ người thân, dù chỉ mỗi năm 2 lần vào dịp tết âm lịch và lễ Chusok.
Theo tư tưởng đạo Khổng, chôn cất mới chứng tỏ hiếu đạo. Nhiều người tin rằng hỏa táng chỉ dành cho những ai nghèo khổ, chết trẻ, không có gia đình hay khi người nhà cùng đường bí lối.
Nhưng truyền thống đang ngày càng bị thách thức. Một đạo luật có hiệu lực từ năm ngoái yêu cầu các khu mộ chôn chỉ được để tối đa là 60 năm thay vì vĩnh viễn. Quan niệm thì thay đổi từ trước. Năm 2000, một phần ba số người qua đời ở Hàn Quốc được hỏa táng, so với tỷ lệ 23% năm 1997. Còn tại thủ đô đất chật người đông Seoul, tổng số người chết được hỏa táng trong năm 2000 chiếm đến phân nửa so với 30% thời điểm 3 năm về trước. Tỷ lệ này hãy còn quá khiêm tốn so với gần 100% ở Trung Quốc, 99% ở Nhật, 73% ở Hong Kong, và 70% tại Thụy Sĩ và Anh.
Điều đáng ngạc nhiên là một số người trong tầng lớp thượng lưu ở Hàn Quốc cũng ủng hộ chiến dịch hỏa táng của ông Park. Vị chủ tịch quá cố của SK, một trong 4 tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất nước, viết trong di chúc là ông muốn được hỏa táng. Ông còn để tiền lại cho một nhà tưởng niệm chuyên lưu tro người đã mất. Cùng với người vợ đã khuất, thi hài Chey Jong-hyon được thiêu năm 1998. Nhiều gia đình - tập đoàn cũng bắt đầu làm theo gương này.
Bae Young-chul, một quan chức ở tòa thị chính Seoul, giải thích rằng khủng hoảng tài chính cuối năm 1997 đã giúp thúc đẩy xu thế trên. Một đài hóa thân do chính quyền Seoul quản lý sẵn sàng hỏa táng thi hài miễn phí cho dân thủ đô. Với người nơi khác, họ cũng chỉ lấy phí 15.000 won (11,40 USD). Đối với việc lưu giữ tro xương, một nhà tưởng niệm của chính quyền đưa ra mức giá 15.000 won. Các nhà tưởng niệm tư nhân thì đòi 2-2,5 triệu won, cộng với một số khoản chi khác mỗi năm. Thật chả thấm tháp gì so với chi phí chôn cất: Tùy theo hình trang trí trên bia mộ, bạn có thể mất tới hơn 100 triệu won.
Hồi tháng 2, một viện nghiên cứu đã hỏi 500 người tuổi từ 20 đến 50 trên mạng Internet về vấn đề hỏa táng. 80% người được hỏi nói rằng họ sẽ để lại di chúc yêu cầu hỏa táng. Những người khác thì phản đối quyết liệt. “Tôi không thích bị thiêu sau khi chết”, Mary Kim, một nhân viên văn phòng 34 tuổi, phát biểu. Và cho dù người ta có chấp nhận cái ý tưởng hỏa thiêu, thông thường dân Hàn Quốc cũng không muốn có một đài hóa thân hay một nhà tưởng niệm đặt tro xương gần nhà mình.
Trở lại chuyện của vị chủ tịch SK Chey Jong-hyon. Phải mất 4 năm, chính quyền Seoul mới tìm được nơi đặt đài hóa thân và nhà tưởng niệm xây bằng tiền của SK trong thành phố. Trong lúc chờ đợi, người ta đã phải chôn cất tạm Chey và vợ ông.
Hàn Quốc có cả thảy 45 đài hóa thân của nhà nước. Những đài hóa thân tư nhân thì chưa xuất hiện vì bị dân chúng phản đối dữ dội. Người dân rất ghét phải sống gần đài hóa thân và nhà tưởng niệm, ngay cả khi chúng được thiết kế giống như công viên. Nguyên nhân mấu chốt là ở chỗ: Giá nhà đất nơi họ sống sẽ tụt giảm.
Tổ chức Cây xanh LG, thuộc Tập đoàn LG, và Công ty bảo hiểm nhân thọ Sam Sung, thuộc tập đoàn Samsung, có ý định xây dựng một công viên tưởng niệm, bao gồm cả một đài hóa thân và một nhà tưởng niệm, gần Seoul. Nhưng kế hoạch còn phải gác lại vì dân cư ở đây không chịu.
Seoul có hơn 10 triệu dân. Để đáp ứng nhu cầu của dân chúng, chính quyền dự định xây 4 đài hóa thân công cộng cùng 80 lò hỏa táng trong thành phố, 25 nhà tưởng niệm tại mỗi quận trước năm 2020. Hiện quanh Seoul đã có một đài hóa thân cùng 23 lò hỏa táng và 6 nhà tưởng niệm với sức chức 80.000 bộ tro xương. Tất cả đều sắp quá tải. “Mỗi năm lại có hơn 20.000 bộ tro xương cần nơi cất giữ ở Seoul”, ông Bae giải thích.
Chính quyền thành phố tin rằng khu tưởng niệm của họ sẽ được hoàn tất vào năm 2004, trong một công viên có cây xanh, vườn hoa, tượng và những địa điểm đẹp lý tưởng để người ta picnic.
“Chúng tôi chỉ đi viếng mộ mỗi năm 1-2 lần, vì đường xá thì xa xôi mà công việc lại bận rộn. Có một khu tưởng niệm gần nhà sẽ giúp mọi người được gặp người thân quá cố thường xuyên hơn”, ông Bae nhận xét.
Minh Châu (theo SCMP)