Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đang trưng bày triển lãm chủ đề "Những bức tranh từ châu Âu trở về" nhằm giới thiệu 17 tác phẩm của các danh họa thuộc thế hệ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 1945). Trong đó có các bức được gắn tên bộ tứ danh họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Chủ nhân bộ sưu tập là nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung.
Nhân chuyến vào TP HCM công tác, ngày 14/7, vợ chồng họa sĩ Thành Chương ghé thăm triển lãm. Thành Chương kể ông ngỡ ngàng phát hiện bức họa có tên Trừu tượng đề tác giả Tạ Tỵ (1921-2004) thật ra là bức tranh của chính ông. Họa sĩ này miêu tả phản ứng của ông lúc đó là bất bình đến "dựng hết cả tóc gáy".
Sáng 15/7, thông qua sự sắp xếp của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, họa sĩ Thành Chương lẽ ra có cuộc gặp với nhà sưu tập Vũ Xuân Chung. Nhưng ông Chung gửi lời nhắn bận việc đột xuất nên không đến.
"Tôi có đầy đủ chứng cứ để chứng minh đây là bức tranh của tôi và tôi muốn nó được trả lại đúng tên tác giả. Trong trường hợp không có giải quyết thỏa đáng từ phía đơn vị đã gắn sai tên họa sĩ Tạ Tỵ vào tranh của tôi, tôi sẽ có đơn kiện để đòi lại công bằng".
Nghệ sĩ người Hà Nội chia sẻ bức họa được ông sáng tác vào khoảng năm 1970-1971, phác họa chân dung một người bạn gái tên Kim Anh. Đó là giai đoạn ông rất mê phong cách của Paul Cezanne và Braque - những danh họa tiền chủ nghĩa lập thể. Vì thế, tác phẩm vẽ bạn gái của Thành Chương là một bức tranh lập thể chứ không phải theo trường phái trừu tượng.
Họa sĩ Thành Chương đặt nghi vấn việc gắn giả tên danh họa Tạ Tỵ vào bức tranh của ông cũng như lùi thời gian sáng tác bức tranh đến năm 1952 là hành động nhằm nâng giá tiền cho tác phẩm. Bởi Tạ Tỵ thuộc hàng danh họa Việt Nam thế hệ học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. "Tranh đề tên Tạ Tỵ thì chắc chắn bán sẽ được giá hơn đề tên tôi", Thành Chương kết luận.
Không chỉ bị dính tai tiếng về việc mạo danh tranh Thành Chương, triển lãm "Những bức tranh từ châu Âu trở về" dính hàng loạt nghi ngờ giới thiệu toàn tranh giả, tranh "dỏm".
Một trong số các bức tranh bị phản ứng gay gắt là bức sơn mài Ba cô gái nổi tiếng của danh họa Dương Bích Liên. Hình ảnh ba cô gái được khắc họa sơ sài. Ví dụ chi tiết bàn tay của các cô được khắc họa rất cẩu thả. Trong khi ở tranh Dương Bích Liên, các chi tiết này được danh họa miêu tả tinh tế.
Nhà sưu tập Nguyễn Trọng Chức chia sẻ với VnExpress ông đã vô cùng thất vọng khi đến xem triển lãm này. "Sao các bậc thầy lại có thể vẽ kinh dị thế", ông nói.
Nguyễn Quân - nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật uy tín hiện nay và cũng là họa sĩ - cho biết đã gửi email đến bảo tàng, đề nghị đóng cửa triển lãm và phải xin lỗi công chúng vì sơ suất này.
Trong khi giới chuyên môn phản ứng gay gắt về độ xác thực và giá trị các bức tranh, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung khẳng định với Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM trước đó rằng ông tin tưởng vào ông Jean François Hubert - người bán 17 tác phẩm này cho ông. Jean François Hubert là chuyên viên thẩm định tranh Việt Nam của nhà đấu giá nghệ thuật Christie’s Hong Kong.
Ông Trịnh Xuân Yên - phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho biết, ngày 15/7, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chuyên môn để xem xét lại giá trị của toàn bộ tác phẩm tại triển lãm "Những bức tranh từ châu Âu trở về". Hội đồng gồm những họa sĩ uy tín, nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu và các đại diện của Hội mỹ thuật TP HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam... Hội đồng này có cuộc họp vào ngày 19/7.
"Chúng tôi đã đồng ý triển lãm bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vì muốn ủng hộ thành ý của nhà sưu tập giới thiệu cho công chúng Việt Nam các tác phẩm có giá trị. Nhưng để xảy ra vụ việc tai tiếng này, chúng tôi nhận trách nhiệm phải có lời giải thích thỏa đáng cho công chúng", ông Xuân Yên nói.
Trước ý kiến cho rằng phòng tranh nên đóng cửa, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, gia đình họa sĩ Thành Chương và nhiều người cho rằng nên tiếp tục mở cửa cho khán giả vào xem để rộng đường dư luận về vụ việc. Do đó, triển lãm còn kéo dài đến ngày 20/7.
* Ảnh:
Các tác phẩm tranh tại triển lãm
>> Xem thêm:
Hai nghệ sĩ từ chối vào BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam
Nguyễn Tư Nghiêm - danh họa mê đắm văn hóa mỹ thuật dân gian