Sự kiện khai mạc hôm 3/8, sẽ diễn ra đến 3/10, tại Nhà trưng bày triển lãm TP HCM, giới thiệu 34 tác phẩm, trong đó có 22 tranh và 12 tượng mỹ thuật ứng dụng. Họa sĩ cho biết từ bé, ông thấm nhuần triết lý về phong cách tối giản qua những cuốn sách của ông nội và cha, từ đó tìm đến chất liệu truyền thống.
"Tôi thích triết học phương Đông vì trong tủ sách ở nhà nhiều sách ấy, nên có gì đọc nấy. Gặp thầy dạy vẽ cũng vì gần nhà, ở cạnh hàng xóm. Loạt nhân duyên giúp hình thành nên tôi - Lê Thiết Cương của hôm nay", họa sĩ cho biết.
Họa sĩ giới thiệu những tác phẩm ông dày công thực hiện từ năm 2003 đến 2024 trên nhiều chất liệu, như sơn dầu, sơn mài, bột màu trên vải màn bồi giấy dó, mực trên giấy dó, gốm mosaic. Một số hiện vật được ông lấy cảm hứng từ làng nghề truyền thống như bình gốm Bát Tràng, truyền tải các ý niệm trong Phật giáo.
Lần đầu triển lãm ở TP HCM, họa sĩ nói nhiều thập niên qua, chữ "duyên" giúp ông có thêm nhiều mối quan hệ đồng nghiệp đáng trân quý tại đây. Sự kiện do đó còn thể hiện lòng biết ơn của ông với cuộc đời, với những người ông có cơ hội gặp gỡ, đồng hành.
Dự triển lãm, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn nói tâm đắc với không gian nghệ thuật mộc mạc, đậm chất Hà Nội của Lê Thiết Cương. Theo đuổi sự tối giản, họa sĩ tạo cho người xem một khoảng không tự tưởng tượng và suy ngẫm. "Ngắm các tác phẩm của ông, đôi lúc khán giả không cần được giải thích bức tranh, tượng này vẽ, làm về cái gì. Mỗi người có quyền hiểu theo cách riêng của họ", nghệ sĩ nói.
Dẫn chương trình khai mạc triển lãm, MC Tùng Leo nói hạnh phúc khi tham gia sự kiện vì mê phong cách hội họa Lê Thiết Cương từ lâu. "Tôi bất ngờ khi anh bảo không cần bàn kịch bản gì cả mà thích sự ngẫu hứng. Tôi xúc động vì sự tin tưởng này. Khi cầm micro cho anh Trần Mạnh Tuấn phát biểu, tôi thấy anh Tuấn khóc vì đồng cảm với họa sĩ, càng thấy trân quý hai anh, những người luôn cố gắng hoạt động nghệ thuật một cách tử tế", Tùng Leo cho biết.
Trần Mạnh Tuấn và họa sĩ cùng quan điểm tìm kiếm sự tự do trong thể hiện nghệ thuật. Cũng giống anh, họa sĩ từng trải qua biến cố sức khỏe, đang phải chiến đấu với bệnh tật. "Như bố cục đối xứng trong hội họa vậy, mất đi cái này sẽ có những điều may mắn khác bù đắp lại. Tôi muốn nhắn nhủ với anh Lê Thiết Cương: Hãy cứ yêu đời, vẽ đến ngày cuối cùng".
Họa sĩ Lê Thiết Cương 62 tuổi, tốt nghiệp trung học năm 1984, sau đó theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1990. Ông có hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau: đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét. Ngoài hội họa, ông thành danh trên nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế. Ông tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, làm giám tuyển của nhiều sự kiện, có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore.
Mai Nhật