Sáng 18/2, phiên sơ thẩm vụ tranh chấp quyền tác giả truyện tranh Thần đồng đất Việt diễn ra tại Tòa án Nhân dân quận 1, TP HCM. Phiên tòa có sự góp mặt của nguyên đơn - họa sĩ Lê Phong Linh (còn gọi là Lê Linh) cùng luật sư; bên bị đơn có luật sư Nguyễn Vân Nam, đại diện cho bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị).
Hội đồng xét xử công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và bốn hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật, yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh ba kỳ liên tiếp trên các báo. Công ty Phan Thị phải trả phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng (yêu cầu ban đầu của nguyên đơn là 20 triệu đồng).
* Tòa tuyên họa sĩ Lê Linh thắng kiện
Tòa cũng cho rằng trong thời gian hai bên cộng tác, công ty Phan Thị đã trả nhuận bút cho Lê Linh, tức đã công nhận ông là tác giả. Với lý lẽ bị đơn cho rằng bà Hạnh đã hình dung các nhân vật trong truyện và nhờ ông Linh vẽ lại để tuyên bố là đồng tác giả, tòa phủ nhận vì ý tưởng không được thể hiện dưới dạng vật chất (giấy tờ) và không được pháp luật bảo hộ.
Trước đó, trong phần nêu căn cứ, tòa cho rằng công ty Phan Thị đã thừa nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả từ tập một đến tập 78. Cụ thể, từ tập một đến tập sáu, trên trang bìa mỗi truyện đều ghi Lê Linh vẽ và viết lời minh họa; từ tập bảy đến tập 78 nêu truyện và tranh do Lê Linh. Ở tập 24, trong phần miêu tả quy trình sáng tác truyện do bà Hạnh chỉ đạo, họa sĩ Lê Linh được ghi là trực tiếp thực hiện ở phần soạn kịch bản, phát hành sơ bộ... Ở tập 37, phần bìa cuối có ghi "đôi nét về tác giả Lê Linh".
Họa sĩ Lê Linh cho biết anh thỏa mãn với kết quả. "Điều này phần nào bù đắp cho công sức 12 năm đấu tranh quyền tác giả của tôi", anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Vân Nam - luật sư bị đơn - nói sẽ kháng cáo. "Nếu bản án tòa đưa ra có hiệu lực thi hành, tôi tin các công ty nước ngoài sẽ khó lòng đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực sáng tạo như lập trình, văn học nghệ thuật.... Vì khi ấy, các nhân viên sau khi được doanh nghiệp đầu tư sẽ quay ngược kiện công ty đòi chia lợi nhuận", ông nêu quan điểm.
Việc tranh chấp quyền tác giả truyện tranh Thần đồng đất Việt được xét xử lần đầu từ ngày 28/12/2018. Vụ án diễn ra nhiều lần với sự tranh luận liên tục của hai bên để bảo vệ luận cứ. Không khí tại các phiên tòa khá căng thẳng. Chủ tọa nhiều lần nhắc nhở luật sư bị đơn đặt câu hỏi đúng trọng tâm vấn đề, hay yêu cầu Lê Linh có thái độ đúng mực với đối phương.
Trước đó, Lê Linh cho biết anh vẽ các nhân vật truyện Thần đồng đất Việt từ năm 2002 đến 2005. Sau tập 78, họa sĩ ngừng sáng tác. Các tập tiếp theo do các họa sĩ khác hợp tác với Phan Thị thực hiện. Sau đó, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Mỹ Hạnh ghi tên mình là đồng tác giả với anh. Năm 2007, anh quyết định kiện về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Trong đơn khởi kiện, họa sĩ Lê Linh yêu cầu xác định anh là tác giả duy nhất của bộ truyện, thay vì là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như hồ sơ đăng ký bản quyền từ Phan Thị. Anh cũng đề nghị Phan Thị không được phép sáng tác những biến thể của nhân vật trong bộ truyện.
Tập đầu tiên của Thần đồng đất Việt - tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị thực hiện - ra mắt năm 2002. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể câu chuyện và cuộc đời của Lê Tí - một trạng nguyên nước Việt - cùng những người bạn thân là Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tí là một cậu bé hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Cậu trở thành lưỡng quốc trạng nguyên. Cùng Sửu, Dần và Cả Mẹo, Tí có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống sự xâm lược của quân Minh.
Tác phẩm còn có thêm các bộ truyện tranh liên quan như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học, Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa. Đây được coi là bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất cho tới nay (hơn 220 tập).
Trong thời gian Lê Linh theo đuổi vụ kiện, công ty Phan Thị kiện ngược họa sĩ vì đã sử dụng nhân vật Trạng Tí trong Thần đồng đất Việt để sáng tác nhân vật Long Tinh truyện Long Thánh.
Mai Nhật