Sáng 24/1, phiên sơ thẩm vụ tranh chấp quyền tác giả truyện tranh Thần đồng đất Việt diễn ra tại Tòa án Nhân dân quận 1, TP HCM. Phiên tòa có sự góp mặt của nguyên đơn - họa sĩ Lê Phong Linh (còn gọi là Lê Linh) cùng luật sư, và luật sư Nguyễn Vân Nam - người đại diện bị đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị). Phiên tòa xoay quanh việc Lê Linh tranh chấp với bà Phan Thị Mỹ Hạnh về quyền tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt. Họa sĩ Lê Linh đeo đuổi sự việc đã 12 năm, từ năm 2007, sau khi ngừng hợp tác với Phan Thị.
Tại phiên tòa, phía luật sư Lê Linh nêu các yêu cầu gồm: đề nghị Hội đồng xét xử không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt; yêu cầu công ty Phan Thị ngừng sáng tạo, sử dụng các biến thể từ bốn hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Luật sư Lê Linh cũng đề nghị phía Phan Thị xin lỗi anh công khai trên các phương tiện truyền thông.
Luật sư bị đơn - ông Nguyễn Vân Nam - trình bày các luận cứ để bác bỏ yêu cầu khởi kiện của Lê Linh. Ông cho rằng năm 2002, họa sĩ Lê Linh đã tự nguyện ký cam kết bằng văn bản với bà Mỹ Hạnh, xác nhận anh và bà Hạnh là đồng tác giả của bốn hình tượng nhân vật trong truyện, và Cục bản quyền tác giả đã cấp chứng nhận. Luật sư bị đơn cho biết ông Linh từng ký đơn xin việc để vào làm công ty Phan Thị với công việc là vẽ minh họa, mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Với căn cứ họa sĩ Lê Linh đưa ra về việc có tên anh trên truyện đồng nghĩa với việc anh là tác giả, luật sư bị đơn phản biện rằng: trong luật sở hữu trí tuệ nói riêng và luật pháp Việt Nam nói chung, không có quy định công nhận tác giả là người có tên ghi trên tác phẩm. Phía Phan Thị khẳng định rất lâu trước khi họa sĩ Linh vào công ty làm việc, bà Mỹ Hạnh đã có ý tưởng khai thác đề tài điển tích, nhân vật trong dân gian thành một bộ truyện cho thiếu niên, nhi đồng. Bà Hạnh không phải là họa sĩ nên cần người giúp tái hiện hình tượng nhân vật bằng cách vẽ trên giấy.
Họa sĩ Linh khẳng định anh là người vẽ tranh và viết lời cho bộ truyện từ tập đầu đến tập 78. Sau khi vào công ty, được bà Hạnh giao yêu cầu vẽ một bộ truyện tranh dựa trên các điển tích xưa, anh bắt đầu sáng tác. Các bước sáng tạo của anh là: viết kịch bản, vẽ sơ phác, viết vào trang truyện, vẽ hoàn chỉnh, sau đó chuyển qua bộ phận vi tính và đổ background. "Bà Hạnh chỉ tham gia công tác tổ chức", họa sĩ khẳng định.
Những tập đầu, anh tự vẽ. Sau đó khối lượng công việc tăng lên, một nhóm họa sĩ trong công ty giúp anh scan nét vẽ bằng đồ họa vi tính. Sau tập 78, họa sĩ ngừng hợp tác với công ty. Các tập tiếp theo do các họa sĩ khác hợp tác với Phan Thị thực hiện. Sau đó, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Mỹ Hạnh ghi tên bà là đồng tác giả với anh. Họa sĩ từng phản ứng khi thấy chứng nhận quyền tác giả bộ truyện do Cục bản quyền tác giả cấp được ghi là "tập thể tác giả". "Tuy nhiên, bà Hạnh lúc đó nói với tôi rằng đó là cách làm bên Cục. Bà đồng ý khi tôi đề nghị chỉnh sửa nhưng sau đó giữ nguyên đến nay", anh chia sẻ.
Trong phiên tòa, Lê Linh cung cấp cho Hội đồng xét xử những bản thảo anh vẽ bốn nhân vật trong truyện cách đây 16 năm. Anh cũng đưa ra một tập truyện ở trang cuối giới thiệu Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện.
Hơn ba giờ tố tụng, hai bên tranh luận gay gắt để bảo vệ luận cứ của mình. Luật sư bị đơn hỏi Lê Linh vì sao anh sinh trưởng tại TP HCM nhưng lại sáng tác những câu chuyện về miền quê Bắc bộ, dù anh từng nói bộ truyện được sáng tác dựa trên ký ức tuổi thơ của anh. Lê Linh cho biết tuổi thơ của anh có thể qua kiến thức sách báo chứ không hẳn là trải nghiệm thực tế.
Chủ tọa cũng nhiều lần nhắc nhở luật sư bị đơn đặt câu hỏi đúng trọng tâm vấn đề, hay yêu cầu Lê Linh có thái độ đúng mực với đối phương. Khi luật sư bị đơn đặt câu hỏi nhưng không đợi Lê Linh trả lời mà chuyển sang câu khác, phía luật sư Lê Linh lập tức phản ứng, yêu cầu tôn trọng nguyên đơn.
Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh nhận định đây là vụ kiện phức tạp, thu hút sự chú ý của công luận vì lần đầu một bộ truyện tranh được tranh chấp quyền tác giả. Do Hội đồng xét xử cần cân nhắc nhiều tình tiết, phiên tòa tiếp tục mở vào sáng 25/1 tại Tòa án Nhân dân quận 1, TP HCM.
Tập đầu tiên của Thần đồng đất Việt - tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị thực hiện - ra mắt năm 2002. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể câu chuyện và cuộc đời của Lê Tí - một trạng nguyên nước Việt - cùng những người bạn thân là Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tí là một cậu bé hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Cậu trở thành lưỡng quốc trạng nguyên. Cùng Sửu, Dần và Cả Mẹo, Tí có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống sự xâm lược của quân Minh.
Tác phẩm còn có thêm các bộ truyện tranh liên quan như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học, Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa. Đây được coi là bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất cho tới nay (hơn 220 tập).
Trong thời gian Lê Linh theo đuổi vụ kiện, công ty Phan Thị kiện ngược họa sĩ vì đã sử dụng nhân vật Trạng Tí trong Thần đồng đất Việt để sáng tác nhân vật Long Tinh truyện Long thánh. Họa sĩ cho biết anh không bình luận về động thái này của Phan Thị và muốn tập trung vào vụ kiện của anh.
Mai Nhật