Báo cáo tài chính quý II theo niên độ tài chính riêng của Tập đoàn Hoa Sen (mã CK: HSG) ghi nhận doanh thu hơn 6.900 tỷ và lợi nhuận trước thuế hơn 54 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 53% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 6 tháng theo niên độ tài chính riêng, doanh thu và lãi trước thuế của công ty này cũng chỉ đạt 14.480 tỷ và 156 tỷ đồng, thấp hơn 7,5% và 70% so với cùng giai đoạn năm trước.
Trong văn bản giải trình gửi cổ đông, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết kết quả kinh doanh thấp hơn cùng kỳ do giá thép thế giới và nội địa diễn biến không thuận lợi. Thực tế, biên lợi nhuận gộp trong ba tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 11,3% so với mức 13,5% cùng kỳ năm trước, kéo theo lợi nhuận gộp thấp hơn 44% dù doanh thu chỉ giảm khoảng 10%.
Hoa Sen, thời gian gần đây, phải đối mặt với khó khăn trong hoạt động kinh doanh đến từ giai đoạn mở rộng quá nhanh nhiều năm trước. Tương tự những "ông lớn" khi ở giai đoạn đỉnh cao, Công ty cũng chọn cách dùng đòn bẩy tài chính để nhanh chóng khuếch đại quy mô.
Liên tục trong ba năm 2015-2017, doanh nghiệp này mở rộng hệ thống phân phối ra các tỉnh với số lượng chi nhánh mở mới tăng theo cấp số. Số lượng chi nhánh từ con số 150 cuối năm 2015 đã tăng lên 491 (gấp hơn 3 lần) vào cuối 2018. Riêng năm 2017, đơn vị này mở 121 chi nhánh.
Song song với quá trình mở rộng là khoản mục nợ vay trên báo cáo tài chính dần phình to. Nợ phải trả của Hoa Sen từ mức 6.500 tỷ đồng theo báo cáo tài chính cuối năm 2015 (vay ngân hàng chiếm 84%) đã tăng lên hơn 16.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018 (vay ngân hàng chiếm 89%).
Đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao, nếu tận dụng được cơ hội sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh nhanh hơn rất nhiều so với "đường đi truyền thống" từ lợi nhuận giữ lại, nhưng ở chiều hướng ngược lại, cách thức này không khác gì "con dao hai lưỡi".
Với Hoa Sen, câu chuyện lại không mang nhiều sắc thái tích cực, tương tự như Hùng Vương hay Hoàng Anh Gia Lai. Diễn biến bất lợi từ giá thép thế giới và trong nước, cùng với thị trường cạnh tranh gay gắt khiến tham vọng của một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành tôn mạ không đạt được như kỳ vọng.
Đầu tư liên tục cho hệ thống, hiệu quả nhãn tiền là doanh thu tăng nhanh không kém tốc độ mở rộng quy mô. Giai đoạn 2014-2016, doanh thu của công ty này trong khoảng 15.000-18.000 tỷ đồng, đã tăng lên hơn 26.300 tỷ năm 2017 và đạt gần 34.600 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, trái với tốc độ tăng của doanh thu, lợi nhuận của Hoa Sen lại ngày một teo tóp.
Vận hành một hệ thống phân phối lớn khiến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp liên tục gia tăng, cùng với đó là chi phí tài chính phình to do vay nợ. Nhưng ở chiều ngược lại, lợi nhuận gộp không tăng cùng chiều với doanh thu khiến lời lãi làm ra không đủ đề bù đắp phần chi phí ngày càng tăng. Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, bản chất của một ngành cạnh tranh cao như thép khiến các doanh nghiệp trong ngành như Hoa Sen, không thể chuyển mức chi phí cao hơn sang cho khách hàng thông qua nâng giá bán. Hệ quả tất yếu là phần gia tăng của chi phí ăn mòn chính lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Sau khi đạt đỉnh gần 1.900 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2016, hai năm tiếp theo, lợi nhuận của Hoa Sen sụt giảm mạnh. Báo cáo phân tích về cổ phiếu HSG của Hoa Sen từ các công ty chứng khoán liên tục hạ triển vọng xuống mức kém khả quan do những rủi ro ngày càng lộ rõ trong hoạt động, từ biên lợi nhuận đi xuống, chi phí gia tăng, cho tới sự thiếu ổn định từ cơ cấu tài chính.
Để tháo gỡ khó khăn, thời gian gần đây, Hoa Sen cho biết đã tiến hành tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động theo hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh. Theo kế hoạch, trong năm 2019, công ty sẽ tái cơ cấu hệ thống theo mô hình chuyển đổi các chi nhánh thành địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh tỉnh nhằm tối ưu hóa hệ thống phân phối. Đồng thời, sẽ nhận chuyển nhượng lại hệ thống phân phối từ Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - công ty riêng của Chủ tịch Lê Phước Vũ.
Chỉ trong hơn ba tháng đầu năm 2019, công ty này đã đóng cửa hơn 100 chi nhánh. Hội đồng quản trị Hoa Sen cũng thông qua nhận chuyển nhượng 60 chi nhánh thuộc Công ty Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen tại các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trước đó, năm 2018, Hoa Sen cũng nhận chuyển nhượng từ công ty này 101 chi nhánh.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giao dịch với bên liên quan trong quá khứ được coi là một trong những lỗ hổng về quản trị doanh nghiệp khiến nhóm phân tích VDSC quan ngại về minh bạch tài chính. Trong niên độ tài chính gần nhất, hơn một phần năm doanh số của Hoa Sen được tiêu thụ bởi các chi nhánh của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, trong khi lượng thép cán nóng mua từ công ty này vượt 2.000 tỷ đồng.
Sau khi nhận chuyển nhượng các chi nhánh, giao dịch bán hàng với bên liên quan sẽ giảm đáng kể. Doanh nghiệp cũng cho biết sẽ tiến tới ngừng mua hàng thép cán nóng từ công ty này.
"Chúng tôi kỳ vọng việc hạn chế dòng tiền qua lại với công ty thuộc sở hữu của Chủ tịch sẽ khiến tài chính của HSG trở nên minh bạch hơn. Trong dài hạn, việc trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu và trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng sẽ giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp ổn định và cải thiện so với mức đáy của niên độ tài chính vừa rồi", nhóm phân tích của VDSC bình luận.
Đến cuối tháng 3, nợ phải trả của Hoa Sen đã giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với tháng 9/2018, chủ yếu đến từ việc giảm bớt hàng tồn kho do thay đổi hệ thống phân phối. Giá trị khoản mục này còn hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nguồn vốn. Những bước đi trong việc tái cơ cấu hoạt động, loại bỏ sự ảnh hưởng của các bên liên quan đang dần cho thấy những tác động tích cực, tuy nhiên vẫn còn chặng đường dài để "ông vua" tôn mạ một thời trở lại vị trí đỉnh cao từng có.
Minh Sơn