Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I niên độ 2018-2019 với hàng loạt chỉ số thụt lùi. Trong khi doanh thu thuần giảm nhẹ còn 7.545 tỷ đồng thì giá vốn bán hàng lại tăng hơn 3%, qua đó khiến lợi nhuận gộp giảm gần phân nửa so với cùng kỳ.
Tỷ giá diễn biến tích cực, cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 100 tỷ đồng nhưng vẫn không thể giúp Hoa Sen khỏa lấp chi phí tài chính và bán hàng. Do đó, đây là quý thứ hai liên tiếp công ty báo lỗ thuần hơn trăm tỷ.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn, doanh thu không đủ bù chi phí thì thu nhập khác lên đến 217 tỷ đồng trở thành "cứu tinh" của Hoa Sen. Trong đó, có 122 tỷ từ thương vụ chuyển nhượng hai thửa đất tổng cộng 7.000m2 tại đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 nhằm mục đích thu hồi vốn đầu tư.
Theo bản công bố thông tin của Hoa Sen vào thời điểm hoàn tất chuyển nhượng, giá trị theo diện tích đo đạc thực tế xấp xỉ 140 tỷ đồng. Hai khu đất này từng được công ty lên kế hoạch triển khai dự án căn hộ với tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Thông tin từ một số công ty chứng khoán cho biết, công ty đã đầu tư khoảng 45 tỷ đồng vào mỗi dự án.
Khoản tiền này giúp công ty ghi nhận lãi sau thuế 60 tỷ đồng, giảm hơn 5 lần so với cùng kỳ và mới hoàn thành khoảng 12% kế hoạch cả năm.
Niên độ tài chính 2018-2019, Hoa Sen đặt kế hoạch doanh thu thuần giảm 9% so với năm trước, còn khoảng 31.500 tỷ đồng do những dự báo về sự bất ổn của thị trường tôn thép. Tuy nhiên, việc siết chặt chính sách quản lý hàng tồn kho, chi phí... giúp công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hai chữ số lên 500 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết, niên độ trước, doanh thu thuần tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm lên mức 34.440 tỷ đồng nhưng lợi nhuận hợp nhất chỉ xấp xỉ 400 tỷ và mới hoàn thành 30% kế hoạch.
Kết quả này phản ánh sự xuất hiện của những nguy cơ từng được dự báo về sự mất ổn định của thị trường trong nước và thế giới. Cụ thể, do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nên thị trường trở nên hỗn loạn, nhiều quốc gia đồng loạt dựng rào cản, tỷ giá biến động mạnh...
Đối với thị trường trong nước, nguồn cung dư thừa ngày càng tăng do các doanh nghiệp cùng ngành tăng công suất và doanh nghiệp ngoài ngành chuyển hướng đầu tư khiến giá bán giảm mạnh. Các sản phẩm thép nước ngoài chất lượng thấp vẫn được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam bất chấp các biện pháp ngăn chặn khiến áp lực cạnh tranh càng tăng thêm đối với các doanh nghiệp trong nước. Dù vậy, tỷ trọng sản lượng tiêu thụ thành phẩm theo kênh nội địa vẫn nhích thêm so với niên độ trước, lên 63%.
Phương Đông