Theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) công bố, ông Lê Phước Vũ nhận thù lao 42 triệu đồng mỗi tháng trong niên độ tài chính 2017 – 2018. Trong đó, thù lao cho chức danh Chủ tịch HĐQT là 30 triệu đồng và Trưởng ban Tái cấu trúc là 12 triệu đồng.
So với niên độ 2016 - 2017, thu nhập hàng tháng của ông Vũ giảm 100 triệu đồng do không còn đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Quản lý dự án. Khoản tiền này được tính theo ngạch lương cộng với lương hiệu quả kinh doanh tùy theo tình hình hoạt động từng tháng của công ty.
Ông Vũ hiện sở hữu hơn 45 triệu cổ phiếu HSG, tương ứng 11,74% vốn điều lệ sau khi thực hiện thành công giao dịch thỏa thuận mua 4 triệu cổ phiếu vào cuối năm ngoái. Căn cứ theo giá đóng cửa phiên giao dịch đầu năm, khối cổ phiếu của ông Vũ trị giá xấp xỉ 290 tỷ đồng.
Đối với nhóm nhân sự cấp cao của Hoa Sen, người nhận thù lao nhiều nhất là ông Trần Quốc Trí với gần 150 triệu đồng mỗi tháng cho bốn chức danh gồm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Phó ban Tái cấu trúc và Thành viên Ban Tổng giám đốc phụ trách nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ.
Tiếp đến là ông Trần Ngọc Chu với 94 triệu đồng cho năm chức danh, gồm Phó Chủ tịch HĐQT thường trực điều hành, Phó ban Tái cấu trúc và Chủ tịch HĐQT quản trị ba công ty thành viên.
Niên độ tài chính 2018-2019, HĐQT Tập đoàn Hoa Sen trình đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu thuần giảm 9% so với năm trước, còn khoảng 31.500 tỷ đồng do những dự báo về sự bất ổn của thị trường tôn thép. Tuy nhiên, việc tiếp tục các chính sách quản lý hàng tồn kho, chi phí... giúp công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hai chữ số lên 500 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết, niên độ trước, doanh thu thuần tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm lên mức 34.440 tỷ đồng nhưng lợi nhuận hợp nhất chỉ xấp xỉ 400 tỷ và mới hoàn thành 30% kế hoạch.
Kết quả này phản ánh sự xuất hiện của những nguy cơ từng được dự báo về sự mất ổn định của thị trường trong nước và thế giới. Cụ thể, do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữ Trung Quốc và Mỹ nên thị trường trở nên hỗn loạn, nhiều quốc gia đồng loạt dựng rào cản, tỷ giá biến động mạnh...
Đối với thị trường trong nước, nguồn cung dư thừa ngày càng tăng do các doanh nghiệp cùng ngành tăng công suất và doanh nghiệp ngoài ngành chuyển hướng đầu tư khiến giá bán giảm mạnh. Các sản phẩm thép nước ngoài chất lượng thấp vẫn được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam bất chấp các biện pháp ngăn chặn khiến áp lực cạnh tranh càng tăng thêm đối với các doanh nghiệp trong nước. Dù vậy, tỷ trọng sản lượng tiêu thụ thành phẩm theo kênh nội địa vẫn nhích thêm so với niên độ trước, lên 63%.
Phương Đông