Chẳng giống như bài hát "quê ngoại tôi có lắm nhiều cau có lắm nhiều trầu....", nhà ngoại của Bảo không có nhiều cau, mà chỉ có một ít cây trồng thành hàng dài làm bóng mát dẫn lối vào nhà. Cau ở nhà ngoại Bảo không phải là loại cau cho trái dùng để ăn với trầu, nên cũng chẳng có dây trầu nào được mọc lên ở đây. Hàng cau nhà ngoại Bảo là loại cau kiểng cũng có cho trái, nhưng để làm kiểng cho vui thôi, không ăn uống được gì.
Hôm vừa rồi Bảo về ngoại, có một buồng cau còn non xanh chưa chưa kịp chín đỏ.
Khoảng sân bên hiên nhà ngoại là khu sân chơi của bầy gà cục tác đẻ "trứng vàng" mà ngoại chắc chiu gầy dựng để có đồng ra đồng vô chợ búa hằng ngày. Ở thành phố làm gì có dịp Bảo được tận mắt nhìn thấy cảnh một đàn gà đủ loại: gà cồ, gà mái, gà giò, gà con... tranh nhau mổ mồi lia lịa. Mồi cho gà ăn ở nhà ngoại gồm các thứ như lúa, rau xanh, chuối cây, lục bình... và có cả cơm nguội.
Bảo rất khoái đứng trên ban công, dưới bóng của hàng cau thỏa thích ngắm nhìn nhịp sống sôi động của đàn gà. Trong đàn gà nhà ngoại đa số là các chị gà mái, một lứa gà choai choai đang kỳ nhổ giò nên còn hơi khó phân biệt trống mái, lác đác một vài anh gà cồ mà ngoại cố tình giữ lại để giao nhiệm vụ làm sinh sôi bầy đàn nhiều hơn thế.
Mỗi khi các anh trống hứng chí lên là te theo các chị mái và rướn cổ lên ò ó o o làm Bảo cũng bắt chước gáy theo o ó ò o… Trừ khi giành nhau ăn mồi thì khung cảnh sinh hoạt của nhà gà rất yên ả. Đứng ngắm gà mà không thấy gà rượt đuổi nhau thì Bảo cũng buồn không muốn xem lâu, nên mẹ chạy vào nhà xúc cho một vá cơm nguội để Bảo nhử cho gà tranh nhau ăn. Bảo rải từng nhúm cơm một xuống sân là bầy gà tranh nhau mổ, có con ngậm được cục cơm to ngang miệng chưa kịp nuốt thì bị con khác rượt đuổi giành lại.
Nhử gà ăn hết vá cơm nguội rồi... bầy gà không còn mồi gì nữa để tranh nhau nên trật tự yên ả ban đầu được thiết lập lại.
Tự nhiên, tiện tay Bảo với hái một trái cau liệng vào sân (vì đứng trên ban công nên buồng cau ngang tầm tay của Bảo), đàn gà tưởng có mồi ngon cũng chạy ùa tới giành nhau mổ lia lịa, mổ vào thấy cứng quá nên bỏ ngang miếng mồi...
Gà thì chán còn Bảo thì khoái ngắt thêm trái thứ 2, rồi trái thứ 3, thứ 4... Mỗi khi Bảo liệng vào, đàn gà nháo nhào lên trong tít tắt rồi lặng lẽ bỏ trái cau vì không ăn được... Vậy mà Bảo thích xem cái khoảnh khắc nháo nhào ấy của đàn gà và Bảo nhử đến trái cuối cùng của buồng cau còn non chẹt.
Thôi kệ, trái cau kiểng mà, có ăn được đâu, lâu lâu Bảo mới về ngoại một lần cho Bảo nhử gà cho thỏa thích luôn. Hy vọng lần sau Bảo về ngay lúc buồng cau khác đang kỳ chín tới, mẹ sẽ chỉ cho Bảo biết thế nào là cau kiểng chín đỏ và dạy cho Bảo biết là quả cau kiểng còn non thì màu xanh, tới khi cau già là màu đỏ... và khi cau khô quéo quắt, mẹ sẽ để đó cho con khi sau này lớn lên con tự biết lấy.
Nắng buổi sáng rất tốt cho sự phát triển xương của trẻ con. Tiện thể đứng ngắm đàn gà, Bảo được một bữa tắm nắng dưới tán hàng cau quê ngoại. Ngắm gà chán chê, Bảo tụt xuống khỏi ban công, tót lên chiếc xe mini ba bánh, Bảo đạp thẳng một lèo men theo lối hàng cau, tia nắng cũng chạy theo, xen qua từng kẽ lá soi rọi những ấm áp yêu thương cho xương thêm rắn chắc. Tia nắng nhiệt tình chiếu thẳng, hơi chá mắt chút xíu, Bảo nheo nheo hai mắt lại...
Mặc dù tháng ngày về ngoại chỉ mấy ngày thoáng qua, hoa nắng hàng cau quê ngoại góp phần nuôi dưỡng những đứa cháu yêu thương ngày càng thêm cứng cáp.
Trần Thị Hoàng Diệu