Đây là diện tích rừng lớn nhất bị hỏa hoạn phá hủy kể từ khi Nga bắt đầu theo dõi cháy rừng bằng vệ tinh năm 2001 theo dữ liệu của cơ quan lâm nghiệp Nga được Tổ chức Hòa Bình Xanh nghiên cứu và công bố. Kỷ lục cháy rừng trước đó được ghi nhận năm 2012, khi hỏa hoạn thiêu rụi 18,11 triệu ha rừng.
Kỷ lục này bị vượt qua cuối tuần trước, sau một mùa cháy rừng kéo dài tạo ra lượng khói toàn cầu lớn chưa từng có, làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của hàng trăm nghìn người ở Siberia và các khu vực ở miền trung nước Nga.
"Trong vài năm qua, khi diện dích cháy rừng mỗi năm đều vượt qua 15 triệu ha, nó đã trở thành bình thường mới trong điều kiện khí hậu mới", tổ chức Hòa Bình Xanh Nga viết trong báo cáo hôm 17/9.
Cháy rừng ảnh hưởng chủ yếu tới người dân ở Siberia, nơi mùa hè khô nóng đã khiến những khu rừng taiga trở nên dễ cháy. Ở Yakutia, phía bắc Siberia, khói mù do cháy rừng bao trùm thủ phủ Yakutsk suốt nhiều tuần.
"Dân làng đã tham gia cùng lực lượng khẩn cấp trong nỗ lực chữa cháy, nhưng không thể dập tắt hỏa hoạn, không thể ngăn cháy", Varvara, 63 tuổi, người làng Teryt, cho biết hồi tháng 7. "Mọi thứ đều đang bốc cháy".
Kỷ lục hơn 18,16 triệu ha rừng bị thiêu rụi trên không tính các vụ hỏa hoạn khác ngoài cháy rừng. "Nếu cộng mọi đám cháy, từ cỏ, sậy, nơi không có rừng, con số sẽ cao hơn", Grigory Kuksin, người đứng đầu dự án chống cháy rừng của tổ chức Hòa Bình Xanh Nga, nói. Tổng diện tích cháy rừng có thể lên tới 30 triệu ha, tương đương diện tích Italy hoặc Ba Lan.
Cháy rừng ở Nga góp phần tạo ra lượng khí thải toàn cầu tồi tệ nhất trong những tháng gần đây. Cơ quan giám sát khí quyển (CAMS) của Liên minh châu Âu cho hay cháy rừng đã tạo ra 1,3 tỷ tấn khí CO2 tháng trước, mức cao nhất từ khi tổ chức này bắt đầu đo đạc lượng khí thải cháy rừng từ năm 2003.
Các vụ cháy rừng ở Yakutia chiếm phần lớn lượng phát thải CO2 tại Siberia, khi mùa cháy rừng kéo dài và tiến xa hơn về phía bắc, trong bối cảnh khu vực hứng chịu nhiệt độ cao và đất đai khô hạn hơn bình thường.
Theo Tổ chức Hòa Bình Xanh Nga, cháy rừng ở Yakutia vẫn tiếp diễn, cả ở phía bắc Vòng Bắc Cực. "Đây không phải đặc điểm thường thấy vào mùa này trong năm", Kuksin viết.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)