Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra hôm 7-8/7 với khoảng một triệu thí sinh tham dự. Theo dữ liệu điểm thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp ngày 24/7, Nam Định dẫn đầu về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Với 7,047 điểm, tăng 0,73% so với năm ngoái, tỉnh này tăng một bậc để soán ngôi của Bình Dương.
Trong khi ba tỉnh dẫn đầu là Nam Định, Bình Dương, Vĩnh Phúc chỉ chênh lệch 1-3 bậc so với năm ngoái thì nhiều tỉnh, thành tăng hoặc giảm thứ hạng đáng kể, trong đó tăng mạnh nhất là Hòa Bình.
Xét điểm trung bình 9 môn thi tốt nghiệp THPT, năm 2022 Hòa Bình đạt 6,289 điểm, tăng 0,369 so với mức 5,92 của năm 2021, tương đương 6,23%. Trong 63 địa phương, đây là mức tăng cao nhất.
Tính từng môn, điểm Lịch sử của Hòa Bình trong hai năm 2021 và 2022 tăng từ 4,66 lên 6,27 (34,26%). Dù việc tăng điểm Lịch sử là xu hướng chung của cả nước, mức tăng của Hòa Bình vẫn cao so với mặt bằng chung, bởi đa số địa phương tăng 20-30% điểm, chỉ một vài tỉnh, thành tăng 34-39%.
Tương tự với môn Văn, điểm trung bình của Hòa Bình cũng tăng 14,45%, cao thứ hai cả nước chỉ sau Hải Phòng (20,93%). Đây là môn khó có thể nhìn thấy xu hướng giữa hai năm 2022 và 2021, bởi số lượng tỉnh, thành tăng và giảm điểm tương đương nhau. Dù vậy, trừ Lai Châu, Kon Tum giảm 11% điểm, không tỉnh nào khác có biến động điểm quá 10% như Hải Phòng và Hòa Bình.
Ngoài Sử và Văn, Hòa Bình còn tăng điểm tại môn Toán (2,95%), Lý (6,17%) và Hóa (8,42%). Các mức tăng này đều khá nổi bật so với 62 địa phương khác.
Với bốn môn Giáo dục công dân, Địa, Sinh và Ngoại ngữ, điểm của địa phương này có xu hướng giảm nhưng đều giảm nhẹ, từ 0,22 đến 2,97%. Ngoại ngữ giảm mạnh nhất - 2,97% nhưng so với hầu hết tỉnh, thành khác, mức này là rất thấp. Mức giảm phổ biến năm nay là 10-20%. Ngay cả các thành phố trực thuộc trung ương, có phong trào học Ngoại ngữ mạnh mẽ như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng giảm điểm trong khoảng tỷ lệ này.
Quảng Nam có sự chênh lệch thứ hạng nhiều thứ hai khi nhảy 16 bậc, từ vị trí thứ 53 lên 37. Điểm trung bình của tỉnh này tăng 1,13% lên mức 6,231. Sự tăng này chủ yếu nhờ môn Lịch sử khi điểm trung bình môn này tăng tới 33,55%.
Bảy địa phương khác tăng từ 10 bậc trở lên trên bảng xếp hạng địa phương theo điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT gồm Bắc Ninh và Tuyên Quang (13 bậc), Nghệ An (12), Yên Bái và Quảng Bình (11), Bắc Giang và Sơn La (10).
Ở chiều ngược lại, Bình Phước tụt hạng mạnh nhất về điểm trung bình - 19 bậc. Từ vị trí 37 trong năm ngoái, tỉnh này tụt xuống hạng 56 trong năm nay. Điểm trung bình tất cả môn thi giảm 4,29%, trong đó điểm môn Sinh thấp hơn hẳn năm ngoái (giảm 14,74%), kế đến là Ngoại ngữ (giảm 12,98%). Năm môn khác cũng ghi nhận điểm trung bình giảm 2,62 đến 7,68% gồm Văn, Hóa, Toán, Giáo dục công dân và Địa.
Chỉ hai môn của Bình Phước có điểm tăng gồm Sử (19,18%) và Lý (0,11%). Trong đó Sử tăng theo xu hướng chung nhưng mức tăng vẫn thấp hơn hầu hết địa phương khác; còn Lý chỉ tăng nhẹ.
Đồng Nai cũng giảm tới 14 bậc xuống vị trí 48 do giảm 2,63% điểm trung bình, xuống mức 6,153 điểm trong năm nay. Lai Châu giảm 12 bậc. Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Long cùng giảm 11 bậc, Tây Ninh và Bình Thuận giảm 10 bậc.
Các tỉnh, thành còn lại tăng hoặc giảm 1-9 bậc. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn và Hà Giang giữ nguyên thứ hạng so với năm ngoái, lần lượt đứng ở vị trí 25, 42, 47 và 63. Tuy nhiên, điểm trung bình bốn địa phương này cũng giảm, từ 0,13 đến 0,78%.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh muốn phúc khảo bài thi có thể nộp đơn phúc khảo đến ngày 3/8. Nếu không, sĩ tử nên tập trung tìm hiểu các ngành, trường đại học để đăng ký xét tuyển trong thời gian này. Thí sinh có thể truy cập trên trang điểm thi của VnExpress tại địa chỉ https://diemthi.vnexpress.net để xem các ngành có điểm chuẩn năm 2021 tiệm cận với điểm thi của mình, hoặc truy cập địa chỉ https://diemthi.vnexpress.net/tra-cuu-dai-hoc để tìm hiểu thêm thông tin về các trường đại học nhằm xem xét, lựa chọn trường/ngành phù hợp, giúp nâng cao khả năng trúng tuyển.
Dương Tâm - Thanh Hằng